Nữ doanh nhân khắc họa thành công hình tượng người cha, nhà sáng lập một tập đoàn tư nhân hàng đầu đất nước

ANTD.VN - Từ hai bàn tay trắng, ông Trần Quí Thanh (Dr Thanh) và người bạn đời của mình - bà Phạm Thị Nụ từng bắt đầu sự nghiệp sản xuất đồ uống với những cỗ máy “mua từ hàng phế liệu”. Người đàn ông tự tay lần sờ từng chi tiết máy để sửa ấy đã viết nên câu chuyện cổ tích mang tên Tân Hiệp Phát, khi lần lượt thay thế những cỗ máy cũ ban đầu, ở phân xưởng sản xuất bia nhỏ bé hồi những năm 90 của thế kỷ trước, bằng hệ thống máy công nghiệp hiện đại nhất thế giới, công nghệ vô trùng aseptic của tập đoàn nước giải khát trị giá hàng tỉ USD ngày nay. Câu chuyện cổ tích có thật của nhà Dr Thanh còn có tên hai “ái nữ” kế nghiệp là Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích.

Hình tượng người cha sau những thăng trầm

Nữ doanh nhân khắc họa thành công hình tượng người cha, nhà sáng lập một tập đoàn tư nhân hàng đầu đất nước ảnh 1Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương

Ngay từ lần đầu gặp gỡ ông Trần Quí Thanh - Dr Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - người đối diện chắc chắn sẽ có ấn tượng khó quên, bởi người đàn ông đặc biệt ấy dễ dàng ghi dấu ấn một cách vô cùng tự nhiên, như thể “vốn phải thế”. Dáng người cao lớn, bàn tay thô ráp và siết rất chặt, nụ cười hiền, dường như Dr Thanh của Tân Hiệp Phát có thể truyền cảm hứng cho người đối diện ngay từ cái bắt tay đầu tiên!

Trong hầu hết sự kiện mà ông Thanh xuất hiện, người ta không thấy vị tổng giám đốc của công ty “tỉ đô” có gì tách biệt với các nhân viên và bè bạn. Nhưng dẫu đứng chung với mọi người, cách ông mỉm cười và đưa ra một nhận xét, một câu nói đùa sâu sắc khiến ai cũng nhận ra, “À! Đó là Dr Thanh, nhà sáng lập Tân Hiệp Phát!”.

Không biết có phải vì khả năng gây ấn tượng một cách tự nhiên như vậy mà Tân Hiệp Phát đã lựa chọn chính hình ảnh khuôn mặt của vị “cha đẻ” hãng, cùng tên gọi Dr Thanh để làm thành thương hiệu nhãn hàng nước giải khát thành công của họ hay không.

Từ năm 2017, những câu chuyện về người đàn ông đặc biệt này trở nên gần gũi hơn với công chúng, khi “ái nữ” của ông - chị Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát - ra mắt cuốn tự truyện gây xôn xao, “Chuyện nhà Dr Thanh”.

Cuốn sách đó đã khắc họa hình tượng một người cha thực sự “lạ”: Dốc hết tâm trí và sức lực cho “gia đình lớn” Tân Hiệp Phát, nhưng gần như bỏ bê gia đình nhỏ với vợ và những đứa con thông minh, đủ nhạy cảm để nhận thấy “bố không yêu chúng con” từ khi còn rất nhỏ…

Đó là khoảng thời gian Dr Thanh lần mò từng chi tiết máy, tự tay sửa chữa cỗ máy cổ lỗ của xưởng sản xuất bia trong những ngày Tân Hiệp Phát còn đang chập chững bước đi. Ông yêu công việc tới mức có thể ngủ ngay cạnh chiếc máy đó, không quan tâm sàn đất ấy lạnh như thế nào, hay ở nhà vẫn đang có chiếc giường ấm, mâm cơm nóng hổi mà vợ và các con đợi chờ.

Về sau, khi Tân Hiệp Phát đã có những bước tiến vững chắc, các nhân viên của công ty nước giải khát hàng đầu Việt Nam vẫn truyền tai nhau câu chuyện Dr Thanh họp với các giám đốc bộ phận. Họp tới khuya mà vẫn chưa xong, Dr Thanh cùng các cộng sự sẽ không kể ngày đêm cho tới khi ra phương án tối ưu mới thôi. Một ví dụ điển hình cho những buổi họp thâu đêm là vào năm 1997, Tân Hiệp Phát là công ty bia Việt Nam đầu tiên đạt tiêu chuẩn chất lượng ISO, nhưng để có được nó thì Dr Thanh phải mất 5 tháng 19 ngày làm việc miệt mài bình quân 20 tiếng mỗi ngày với toàn bộ đội ngũ lãnh đạo của công ty.

Có chứng kiến hệ thống máy móc công nghệ hiện đại nhất thế giới của Tân Hiệp Phát ngày nay, người ta mới thấy được nỗ lực và quyết tâm của Dr Thanh lớn tới mức nào, để nâng tầm nền công nghiệp sản xuất đồ uống từ chiếc máy cổ lỗ vài chục năm trước.

Trải qua quãng thời gian dài từng bị hiểu nhầm là “bỏ mặc” gia đình nhỏ để lo cho gia đình lớn, tới khi đối mặt với biến cố người bạn đời của mình phải đối diện với bệnh hiểm nghèo, Dr Thanh mới thay đổi tính cách lạnh lùng, bắt đầu thể hiện vai trò người cha, người chủ gia đình, là nơi nương tựa của vợ, cùng những người con trưởng thành đã biết suy nghĩ.

Nếu nói đó là một sự bù đắp, có lẽ không chính xác, bởi chính bà Phạm Thị Nụ từng giãi bày rằng, dù vất vả và phải chăm lo gia đình nhỏ một mình, bà vẫn tin người đàn ông mà bà lựa chọn luôn dành tình yêu cho vợ con “theo cách riêng của anh ấy”.

Và khi chứng kiến sự chuyển dịch cảm xúc cân bằng đó, những người con của Dr Thanh mới thấu hiểu “bố yêu mẹ, yêu chúng con nhiều như thế nào”. Sự lạ của người cha Tân Hiệp Phát đã được giải mã nhẹ nhàng và tự nhiên như thế!

Để rồi sau đó, người con gái từng hiểu nhầm cha, thậm chí đã khuyên mẹ ly dị cha để có cuộc sống tốt hơn, nhận ra rằng ẩn trong bề ngoài cứng rắn của Dr Thanh là tư duy và cách đối xử nhất quán trong vai trò làm lãnh đạo và người chủ gia đình của ông. Dường như, chất chứa bên trong một con người có vẻ bề ngoài kiên định, lạnh lùng, là một Dr Thanh rực cháy, nồng nàn, đa cảm và yêu thương. Nhưng với một tình yêu “thương cho roi cho vọt” vẫn không thay đổi.

Gần đây, khi cả thế giới xôn xao trước thông tin vị tỉ phú Jeff Bezos - Chủ tịch Tập đoàn Amazon - chia tay người vợ sau 25 năm chung sống, sau những khoảng thời gian mặn nồng với thói quen rửa bát giúp vợ, thì người ta lại có lý do để nhìn vào câu chuyện cổ tích có thật của Dr Thanh và Tân Hiệp Phát, với sự ngưỡng mộ từ trái tim.

Khi bà Phạm Thị Nụ nhập viện, trong suốt 2 năm liên tục, ông Thanh đã không bỏ sót một ngày nào, để luôn có mặt đúng 17h30 hàng ngày và hỏi vợ: “Hôm nay, má có gì mới không?”. Đó là khoảng thời gian vị thuyền trưởng Tân Hiệp Phát phải đối mặt với những áp lực, thách thức khủng khiếp, từ khủng hoảng tài chính tới khủng hoảng truyền thông. Thay vì tìm kiếm một “đối tác” mới để san sẻ và có nguồn vui, Dr Thanh chọn cách nắm chặt tay người vợ đã theo ông suốt chặng đường gian khó. Có lẽ, đó là lúc người đàn ông từng trải quả quyết trong lòng mình một điều: Sức khỏe của “má Nụ” lúc này là thứ khủng hoảng lớn nhất mà ông phải đối mặt. Một khi vượt qua được khủng hoảng đó, những điều còn lại với ông đều là chuyện nhỏ, và thực tế chứng minh ông đã đúng, khi lần lượt giải quyết thành công những “chuyện nhỏ” đó!

Đó là một câu chuyện cổ tích có hậu, dù đã trải qua vô vàn sóng gió, nhưng người thuyền trưởng vẫn cầm lái hướng con thuyền vượt sóng gió để đi đúng hướng, lao ra biển lớn, với tất cả ánh nhìn của mỗi thành viên trong gia đình lớn, gia đình nhỏ đều cùng dõi về một hướng duy nhất: “Hôm nay phải hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương bên những người thân yêu

Viết tiếp câu chuyện cổ tích có thật

Khi nói về Tân Hiệp Phát, ngoài nhà sáng lập Dr Thanh, người ta còn nhắc nhiều tới hai “ái nữ” của ông, Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích - hai nữ Phó Tổng Giám đốc Công ty.

Trong đó, Trần Uyên Phương chính là tác giả cuốn tự truyện “Chuyện nhà Dr Thanh” đã gây xôn xao dư luận từ khi ra mắt cho tới lúc tái bản. Xôn xao bởi cô đã quyết tâm và dũng cảm tiết lộ những điều bí mật của một gia tộc doanh nhân và dám dấn thân, với thành công vượt ra ngoài khuôn khổ của nước Việt mến yêu hình chữ S, vươn ra thế giới.

Với Uyên Phương, đó là cách để cô tri ân đấng sinh thành hết mực thương yêu, và cũng là cách để thế hệ lãnh đạo kế tiếp của Tân Hiệp Phát truyền đi cảm hứng và khát vọng cho những người mong muốn khởi nghiệp, có khát vọng làm giàu chân chính.

Xuyên suốt cuốn tự truyện, cũng như qua những lần trao đổi, chia sẻ với giới truyền thông, Uyên Phương gần như không nói về bản thân. Cô chỉ nói về “sếp Thanh”, về “má Nụ”, về Tân Hiệp Phát, với tất cả tình cảm và sự chân thành.

Với vai trò là người ghi lại trung thực một giai đoạn lịch sử vượt qua biết bao thăng trầm sóng gió của một gia tộc doanh nhân, rồi được chọn vào vị trí Phó Tổng Giám đốc, Trần Uyên Phương cùng em gái Trần Ngọc Bích đã trực tiếp tham gia điều hành, xử lý những bài toán hóc búa nhất về thị trường, về chính sách, và cả về những cuộc tranh cãi pháp lý khốc liệt mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu khó khăn dường nào. Cũng chính Trần Uyên Phương đã viết tiếp câu chuyện cổ tích Tân Hiệp Phát khi năm 2018 cô tiếp tục cho ra mắt cuốn sách “Competing with Giants” tạm dịch: “Cạnh tranh với người khổng lồ” (do Forbes Books xuất bản bằng tiếng Anh).

Tất cả điều đó khiến cho cộng đồng xã hội nhìn thấy ở Uyên Phương và Ngọc Bích một hình ảnh rất đặc biệt, dù hai cô không nói nhiều về mình: Những người chấp bút ghi lại lịch sử tập đoàn, đồng thời kế nghiệp thực sự của gia đình Dr Thanh.

Hơn ai hết, ông Trần Quí Thanh là người sát cánh và chứng kiến rõ nhất điều đó, để quyết định trao cho hai người con gái những vị trí chịu trách nhiệm hàng đầu trong công ty tỉ đô. Đó cũng là một quan điểm khiến nhiều người nể phục Dr Thanh, bởi ông không bao giờ tư duy phân biệt nam nữ khi lựa chọn, chỉ cần đúng người, đúng việc và phải có đam mê, khát vọng, thể hiện được năng lực, hiệu quả thì những người đó sẽ được trao cơ hội.

Đã có người đặt câu hỏi đầy tế nhị cho Trần Uyên Phương, khi nữ doanh nhân dường như đã có tất cả, từ tài năng đến sắc đẹp, từ danh tiếng trong nước đến thành công trên trường quốc tế, từ tên tuổi trong những doanh nhân viết sách đến tên tuổi ở những diễn đàn khi cô ấy biết cách chia sẻ với cộng đồng khát vọng vươn lên, tự tin cạnh tranh với những gã khổng lồ. Tất cả đã có đủ, vậy đến bao giờ Trần Uyên Phương sẽ có “nửa còn lại” cho mình? Mỉm cười trước câu hỏi đó, nữ tác giả “Chuyện nhà Dr Thanh” chia sẻ: “Tôi đã kết hôn với… Tân Hiệp Phát!”

Ông Trần Quí Thanh đã dành cả cuộc đời để xây dựng nên Công ty Tân Hiệp Phát, với thành công thể hiện ở mức định giá doanh nghiệp hàng tỉ USD, cùng những thương hiệu sản phẩm nước giải khát hàng đầu quốc gia và chinh phục nhiều thị trường ở các quốc gia châu Á, châu Âu khác. Câu chuyện cổ tích của nhà Dr Thanh đã tìm ra người chấp bút, người kế nghiệp xứng đáng, để gia tộc doanh nhân viết tiếp những kỳ tích mới trong tương lai.

Có lẽ, hiếm ai trong làng doanh nhân Việt kỳ công viết nên một câu chuyện cổ tích đẹp như vậy, một câu chuyện có hậu và vẫn đang lật giở tới những chương mới đầy hứa hẹn. Và họ tiếp tục tìm kiếm cơ hội, các cộng sự có cùng đam mê và hoài bão để tiếp tục sứ mệnh đưa thương hiệu Việt ra thế giới.