Chia sẻ những thành - bại đã nếm trải:

Người từng "ném đá" Dr. Thanh cũng phải thay đổi cách nhìn

ANTD.VN - “Là chủ doanh nghiệp quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng, liệu có phải học hỏi thêm kinh nghiệm của các doanh nghiệp nhỏ hơn nhiều lần, cỡ vài chục tỷ đồng?”. Trước câu hỏi ấy, lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hiệp Phát trả lời: “Dù thành công đến đâu, bạn vẫn cần học hỏi. Học hỏi để hôm nay tốt hơn hôm qua, nhưng ngày mai có thể làm tốt hơn”.  

Người từng "ném đá" Dr. Thanh cũng phải thay đổi cách nhìn ảnh 1

Người từng "ném đá" Dr. Thanh cũng phải thay đổi cách nhìn ảnh 2

Câu chuyện khởi nghiệp của gia tộc doanh nhân Trần Quí Thanh truyền cảm hứng cho 1.000 doanh nghiệp 

Nếu không trả lời được, thì thành công chỉ là do may mắn 

Trước câu hỏi: “Đã là doanh nghiệp lớn, liệu những người đứng đầu có phải học hỏi?”. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương đáp lời: “Bài học cả đời tôi học được là khả năng học hỏi của “sếp Thanh” (tên thường gọi của ông Trần Quí Thanh - cha cô, người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát - PV). Tôi đã từng hỏi sếp Thanh, Tân Hiệp Phát đã lớn như vậy, còn gì để học hỏi những doanh nghiệp nhỏ hơn rất nhiều lần, trong khi những bài học dành cho doanh nghiệp nhỏ chỉ tương tự như bài học về tiêu chuẩn quản lý chất lượng ISO của Tân Hiệp Phát từ năm 1997? Sếp Thanh vẫn bảo chúng tôi phải đến học. Bản thân ông nghĩ, chúng tôi đã làm tốt rồi, hôm nay tốt hơn hôm qua nhưng ngày mai vẫn có thể làm tốt hơn. Chúng tôi phải học để xem những gì chúng tôi làm đã là chuẩn nhất chưa? Trong mọi việc, chúng tôi phải nghĩ xem cá nhân chúng tôi cho là đúng, hay doanh nghiệp cho là đúng - thì đã đúng thật hay chưa?”.

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương trải lòng một cách chân thành: “Chúng tôi là chủ doanh nghiệp còn mệt mỏi, vậy nhân viên của chúng tôi thấy thế nào? Làm sao để họ yêu công việc, yêu công ty, để họ vui vẻ cống hiến. Tân Hiệp Phát phải giải bài toán đó hàng ngày và chúng tôi phải học để làm điều đó”.

Theo đó, học hỏi không chỉ bao gồm học sự thành công từ chính mình, từ các doanh nghiệp, mà doanh nghiệp còn cần học cả bài học thất bại. “Nếu thành công, bạn cũng cần trả lời được câu hỏi vì sao lại thành công? Nếu không trả lời được thì bạn sẽ không có cơ hội thành công lần thứ hai, bởi thành công chỉ đơn giản do may mắn mà có được” - doanh nhân Trần Uyên Phương thẳng thắn nói.

Vì sao Dr Thanh vẫn quay trở lại?

Chia sẻ của lãnh đạo Tập đoàn Tân Hiệp Phát với vai trò diễn giả trong khuôn khổ Sự kiện 1.000 CEO tại Hà Nội đã truyền cảm hứng mạnh mẽ và tạo thêm động lực cho các doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn. Ông Hoàng Ngọc Gia Long - Chủ tịch Tập đoàn CEO K35 cho biết, rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác đã quên cả ăn trưa ở Sự kiện 1.000 CEO tại Hà Nội mà chăm chú nghe chia sẻ từ CEO Tân Hiệp Phát.

Cộng đồng doanh nghiệp có mặt tại đó tìm thấy sự đồng cảm và có lý lẽ khi CEO Tân Hiệp Phát chia sẻ những thành công và không hề giấu giếm cả những thất bại. Con đường khởi nghiệp đâu chỉ toàn màu hồng và thẳng tắp cho các doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy, con đường khởi nghiệp đòi hỏi những con người trong guồng quay của nó phải biết cách làm chủ tình hình, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức, thậm chí phải đối mặt với bế tắc, thất bại ở nhiều mức độ khác nhau.  

Cũng có ý kiến doanh nghiệp băn khoăn và đặt câu hỏi: “Tại sao Tân Hiệp Phát lại không giấu giếm cả những thất bại của mình?”. Doanh nhân Trần Uyên Phương đáp: “Chúng tôi nhận thấy cần cởi mở, vì chúng tôi biết Tân Hiệp Phát đang làm gì. Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, doanh nghiệp nào theo kịp thì sẽ phát triển. Ngược lại, doanh nghiệp nào chậm trễ sẽ thất bại. Tân Hiệp Phát làm được thì các doanh nghiệp khác cũng làm được”.

Trong buổi tọa đàm 1.000 CEO ở Hà Nội, Tân Hiệp Phát nhận được hơn 50 câu hỏi. CEO Trần Quí Thanh dù đã kết thúc phần trình bày và rời khán phòng vào cuối buổi sáng, nhưng dường như cộng đồng doanh nghiệp tham gia sự kiện vẫn chưa thỏa mãn. Ông đã quyết định quay ngược ô tô trở lại Hà Nội, để tiếp tục vào buổi chiều tháo gỡ những thắc mắc của các doanh nghiệp muốn học hỏi cả những thành công và thất bại mà Tân Hiệp Phát từng nếm trải.

CEO Trần Quí Thanh quay trở lại làm sự kiện 1.000 CEO tại Hà Nội  trở nên hữu ích hơn khi ông sẵn lòng chia sẻ những câu chuyện thành - bại  một cách ruột gan  đến thế. Dr. Thanh cũng chia sẻ trang facebook và email cá nhân để mọi người liên lạc và lập tức tối hôm đó, ông nhận được 10 email từ các CEO hỏi tư vấn thêm. 

Người từng “ném đá” thay đổi cách nhìn 

Là người từng phản đối quyết liệt Tân Hiệp Phát trong những giai đoạn doanh nghiệp gặp khó khăn, khủng hoảng, ông Hoàng Ngọc Gia Long, Chủ tịch Tập đoàn CEO K35 cho biết: “Trước thời điểm diễn ra sự kiện kết nối, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp tại TP.HCM năm 2017, tôi đã rất khó tìm tiếng nói chung với chị Trần Uyên Phương”.

Còn doanh nhân Trần Uyên Phương cũng thẳng thắn nói: “Tôi và anh Long nhiều lần căng thẳng trước khi quyết định hợp tác với nhau được. Trước kia, anh Long cực kỳ phản đối Tân Hiệp Phát. Bạn bè của anh Long cũng nhiều người là Facebooker có tên tuổi, đã từng tham gia nhiệt tình vào câu chuyện “ném đá” Tân Hiệp Phát trên mạng xã hội khi doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng. Nhưng chúng tôi không ngại điều đó. Quan trọng là doanh nghiệp phải đầu tư đúng, làm đúng, còn trên bước đi, tất nhiên thất bại sẽ rất nhiều và nó đòi hỏi chúng ta phải vượt qua bằng được thất bại. Có vượt qua thất bại thì mới tới được thành công ngày hôm nay”. 

Chủ tịch Tập đoàn CEO K35 xác nhận lại rằng: “Chị Phương là người rất khó tính, làm việc gì cũng yêu cầu khắt khe. Ngay cả buổi kết nối với cộng đồng doanh nghiệp như thế này, chị Phương cũng đòi hỏi phải thật chất lượng, giá trị thì Tân Hiệp Phát mới tham gia”. Tuy nhiên, được nghe lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hiệp Phát nói chuyện và rồi đến tận nơi để thăm nhà máy sản xuất của họ thì người đứng đầu Tập đoàn CEO K35 mới tin và dần thay đổi cách nhìn đúng về giá trị của tinh thần khởi nghiệp và chuyển sang hợp tác với Tân Hiệp Phát.