Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương:

Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất hay khủng hoảng nhất, thì vẫn có người thành công

ANTD.VN - Được truyền thông mệnh danh là “cô gái tỷ đô” xinh đẹp, nhưng Trần Uyên Phương lại mang một phong thái hết sức đơn giản và an nhiên, tự tại. Người phụ nữ 37 tuổi thông minh ấy sẵn sàng chia sẻ triết lý kinh doanh trong quá trình khởi nghiệp của gia đình mình, lăn lộn vì sự sống còn của Tập đoàn Tân Hiệp Phát, góp phần gây dựng một thương hiệu quốc gia Việt Nam đủ sức và đủ tầm vươn ra thế giới. 

Không có thời điểm hoàn hảo cho khởi nghiệp

- PV: Với tư cách là người khởi nghiệp thành công, chị đánh giá thế nào về cơ hội và thách thức của các bạn trẻ khi khởi nghiệp?

- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương: Đối với tôi, quá trình khởi nghiệp luôn có điểm lợi và bất lợi, tôi tạm gọi là lập nghiệp. Tôi nghĩ tài sản lớn nhất của các bạn trẻ là nhiệt huyết. Các bạn mong đợi làm được nhiều thứ và các bạn có nhiệt huyết để theo đuổi ước mơ của mình đến cùng. Đó là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều bất lợi với các bạn khởi nghiệp như: thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhiều yếu tố khác.

Còn với riêng tôi, khởi nghiệp cần nhất là học hỏi. Tôi vẫn đang nghĩ mình trong quá trình khởi nghiệp vì tôi tham gia nhiều dự án mới của công ty, mỗi dự án bắt tôi phải học một số vấn đề, kiến thức lại từ đầu. Mỗi năm, mỗi giai đoạn tôi đều phải học lại, cập nhật mới để theo kịp người tiêu dùng và phục vụ nhu cầu thay đổi liên tục của người tiêu dùng. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cho các dự án mới, doanh nghiệp mới mà trong các công việc hiện tại cũng cần thì mới có sự phát triển và cải tiến liên tục.

- Hơn 2 năm nay, cả nước bừng bừng khí thế khởi nghiệp. Năm 2017 vừa qua còn được chọn là “Năm Quốc gia khởi nghiệp”. Chị có nghĩ rằng bây giờ là thời điểm rất thuận lợi để các bạn trẻ khởi nghiệp hay không?

- Tôi được dạy ngay từ bé rằng thời điểm nào cũng có người làm giàu và thời điểm nào cũng có người thất bại. Ngay cả trong những lúc khó khăn nhất, khủng hoảng nhất thì vẫn có những người thành công. Nhưng có những thời điểm thuận lợi mà vẫn có nhiều người thất bại. Quan trọng là chúng ta phải nhìn lại được điểm mạnh, điểm yếu của mình, đánh giá hết được những cơ hội và khó khăn để có thể khởi nghiệp được. Với khởi nghiệp, khi chúng ta có kế hoạch thành công và có đủ các nguồn lực và khả thi để thực hiện thì đó là thời điểm hoàn hảo.

- Có nền tảng tốt hơn rất nhiều bạn trẻ khác trong lĩnh vực kinh doanh, chị có nghĩ rằng yếu tố từ gia đình sẽ hỗ trợ nhiều cho khởi nghiệp?

- Nếu như bản thân tất cả chúng ta không dựa vào chính chúng ta mà luôn luôn đổ lỗi hoặc suy nghĩ tôi cần phải có cái này, phải có cái kia mới thành công được, thì đó chính là những yếu tố đầu tiên khiến chúng ta thất bại. Với tất cả mọi người, dù thành công hay thất bại đều cần phải biết rằng chẳng ai có thể giúp được chúng ta. Chỉ chúng ta mới có thông tin nhiều nhất, đầy đủ nhất để quyết định. Tất nhiên sẽ có lúc sai, nhưng qua đó chúng ta nhận ra bài học cho riêng mình. Nếu có tác động từ bên ngoài thì cho dù có đúng, chúng ta cũng không biết làm sao để làm đúng thêm lần nữa. 

- Còn cơ hội của nữ giới và nam giới khi khởi nghiệp, chị đánh giá ra sao?

- Với khởi nghiệp, mỗi người đều đứng trước cơ hội và khó khăn. Nói trên khía cạnh tôi là nữ giới, tôi cho rằng có những điểm nữ giới làm tốt, nhưng cũng có những điểm là rào cản nữ giới. Tuy vậy, nếu nữ giới biết khai thác lợi thế về giới như sự mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt thì có thể thu được rất nhiều năng lượng; và có thể hợp tác, phối hợp với nhiều người. Điều cuối cùng trong mọi việc: Ai hoàn thành mục tiêu, chứ không phải người làm việc đó là nam giới hay nữ giới.

- Với cương vị Phó Tổng Giám đốc Tân Hiệp Phát, chị chia sẻ gì về bí quyết thành công với các bạn trẻ khởi nghiệp tại Việt Nam?

- Đối với cá nhân tôi thì khởi nghiệp là bắt đầu từ việc nhỏ. Dù chúng ta có hoài bão và mục tiêu lớn, nhưng vẫn cần làm từ những việc rất nhỏ và nhiều thành công nhỏ sẽ góp nên thành công lớn. Cần trung thành với mục tiêu. Vì khi chúng ta chưa bỏ cuộc thì tất cả thất bại đều là thử thách. Còn khi ta quyết định bỏ cuộc thì những gì chúng ta đề ra đã không còn nữa. 

Không phải lúc nào cũng thành công

- Ở sự kiện 1.000 CEO diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15-4-2018, với vai trò là diễn giả của sự kiện và là doanh nghiệp lớn rất thành công, đại diện Tân Hiệp Phát sẽ chia sẻ điều gì với các lãnh đạo doanh nghiệp tham dự?

- Trong hoạt động của mình, chúng tôi trung thành với sứ mệnh phục vụ người tiêu dùng, làm sao để đem đến cho người tiêu dùng các sản phẩm nước uống có lợi cho sức khỏe. Và một số bí quyết chúng tôi chia sẻ trong sự kiện 1.000 CEO gồm bài học thành công và thất bại. Chúng tôi sẽ mang đến câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp quản lý được bộ phận marketing của mình, những người chủ doanh nghiệp có thể đòi hỏi và mong đợi gì ở bộ phận marketing.

- Tân Hiệp Phát sẽ chia sẻ với các lãnh đạo doanh nghiệp về chiến lược marketing. Nhưng với các bạn trẻ, vốn để khởi nghiệp thường không nhiều, vậy phương thức marketing nào ít tốn kém?

- Chúng tôi cũng là doanh nghiệp từ con số 0 đi lên; nên tất cả những gì Tân Hiệp Phát làm đều phải tính đến hiệu quả. Tôi đưa ra một hình dung thế này: Có công ty họ bắn 10 viên đạn chết 1 con chim, nhưng đối với doanh nghiệp như Tân Hiệp Phát mỗi quyết định chúng tôi đều phải rất cân nhắc, làm sao mỗi phát đạn phải trúng được 2 con chim. Bởi vì, đối sánh với các tập đoàn lớn, những tập đoàn đa quốc gia, mà chúng ta khi cùng hiện diện trên “sân chơi” trong một thế giới phẳng, khi phải cạnh tranh khốc liệt, thì nguồn lực của chúng ta luôn là có giới hạn. Tính hiệu quả khi sử dụng mọi nguồn lực là điều doanh nghiệp luôn phải tính toán rất kỹ.

- Vậy thì đâu là chiến dịch marketing mà chị thấy hiệu quả nhất của Tân Hiệp Phát?

- Cho đến bây giờ, bạn thấy là nhãn hàng nào được mọi người yêu thích và thời gian nhãn hàng sống càng lâu, càng nhiều thì đó là chiến dịch marketing thành công. Bên cạnh đó, chúng tôi có nhiều chiến dịch, nhãn hàng, mà chúng tôi phải bỏ lại trong quá khứ. Có những nhãn hàng mà các bạn chưa từng nghe tới như: Cà phê VIP hay I-kool… Có cả những sản phẩm chúng tôi chuẩn bị cho ra thị trường, nhưng phải dừng lại. Thiệt hại của chúng tôi rất lớn, nhưng chúng tôi cho rằng, nếu đưa ra thị trường, thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều. 

- Chị có thể tiết lộ về dự án sắp tới của Tân Hiệp Phát?

- Cạnh tranh trong ngành nước giải khát rất khốc liệt. Chúng tôi phải liên tục nghiên cứu thị trường để cho ra đời sản phẩm mới, nhằm tạo ra sự đa dạng sản phẩm và sự khác biệt về mùi và vị nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng của sản phẩm, có lợi nhất cho sức khỏe người tiêu dùng. 

Nếu không “cưới” Tân Hiệp Phát...

- Chị từng nói là đã “cưới” Tân Hiệp Phát. Nếu không “cưới” Tân Hiệp Phát thì chị có dự định như thế nào?

- Cá nhân tôi nghĩ, mỗi người có sứ mệnh và mục đích riêng của mình đối với cuộc sống này. Cảm thấy rất thích được tham gia vào Tân Hiệp Phát bởi nơi đây tôi có thể  truyền cảm hứng, đem đến câu chuyện và trải nghiệm có được trong cuộc sống, chia sẻ không chỉ cho nhân viên Tân Hiệp Phát mà cho tất cả những người trong hệ thống cộng đồng các doanh nghiệp. Chúng tôi có khoảng 2.500 nhà cung cấp cho Tân Hiệp Phát, đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp đã phát triển. Đó là giá trị tôi có thể mang lại.

- Không ít người đã nhận ra là “cô gái tỷ đô” rất ít khi sử dụng đồ trang sức. Thường thì chị sử dụng đồ trang sức như thế nào?

- Từ “cô gái tỷ đô” được giới truyền thông tặng cho tôi, đó là ước mơ có được doanh nghiệp tỷ đô và ước mơ có được doanh nghiệp Việt vươn ra thế giới. Đối với tôi, ước mơ càng lớn thì cuộc sống cá nhân càng phải đơn giản, vì sự đơn giản sẽ giúp cho tôi thực hiện được ước mơ, có nhiều thời gian hơn cho công việc. Tôi tự hào là đang đeo món đồ trang sức là sản phẩm của công ty, có logo “Trà xanh Không độ”, được thiết kế bởi em trai của tôi. Nó đặc biệt và khác biệt với mọi người. Nó không chỉ là sản phẩm của công ty mà nó còn chứa đựng rất nhiều tình cảm.

- Hàng vạn bản in cuốn sách “Chuyện nhà Dr Thanh” đã được bán ra, chị có kế hoạch viết sách tiếp?

- Sau khi ra mắt cuốn sách, tôi cảm nhận giá trị của cuốn sách đối với các anh, chị đang kinh doanh. Họ có đủ trải nghiệm để tranh luận với những triết lý trong cuốn sách. Cuốn sách đã bán được hơn 40.000 bản mặc dù chưa bán ra nhà sách, chỉ bán trên 2 kênh tiki.com và trang tranquithanh.com.vn. Câu chuyện có những triết lý sống, cơ sở để tạo nên tính cách và những công thức giúp một con người thành công không chỉ trong công việc mà còn trong gia đình. Chúng tôi mong muốn câu chuyện sẽ truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 

- Chị có thể chia sẻ mẫu người đàn ông lý tưởng của mình?

- Lý tưởng đối với tôi là người chung chí hướng, cùng mục tiêu, cùng giá trị cốt lõi, thì ta mới đi cùng nhau, đi xa được. Và người đó có thể chia sẻ với tôi những thất bại để có bài học cho mình.

- Cảm ơn và chúc chị thành công, hạnh phúc!