Khởi nghiệp là con đường khốc liệt chỉ dành cho người có ước mơ lớn và dám làm

ANTD.VN - Đối với những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, khởi nghiệp hiện là một trong những xu hướng đầy hấp dẫn và đáng quan tâm. Vậy nhưng, không phải là một trò chơi đơn giản với những lời ve vuốt, bóng bẩy, khởi nghiệp thực sự là một “cuộc chơi” khốc liệt chỉ dành cho người dám mơ lớn và dám hiện thực hóa ước mơ đó. 

Trong chương trình giao lưu “Hướng nghiệp trước ngưỡng cửa vào đời” và đồng hành Giải bóng đá học sinh THPT Hà Nội - Báo An ninh Thủ đô lần thứ XVIII năm 2018 - Cúp Number 1 Active do Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng Tập đoàn Tân Hiệp Phát tổ chức ngày 12-10, tác giả cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” - bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có những chia sẻ quý giá cho các bạn trẻ trước ngưỡng cửa vào đời.

Khởi nghiệp là con đường khốc liệt chỉ dành cho người có ước mơ lớn và dám làm ảnh 1Diễn giả Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã trả lời nhiều câu hỏi của các em học sinh THPT Hà Nội liên quan đến hướng nghiệp cũng như những bí quyết thành công của mình

Người trẻ với khát vọng trở thành CEO

“Bạn mong muốn làm gì?”; “Bạn thích sau này sẽ làm nghề gì?”… Khi đứng trước những câu hỏi như vậy, thế hệ 8X trở về trước thường chọn câu trả lời gắn với một nghề nghiệp rất cụ thể như bác sĩ, kiến trúc sư, giáo viên, kỹ sư hay kế toán. Nhưng với thế hệ 9X trở lại đây, không hiếm câu trả lời là… CEO (Giám đốc Điều hành). Trong ánh mắt của các bạn trẻ, CEO là một “nghề” đầy thú vị, ở đó có những bộ vest sang trọng, có những buổi thuyết trình hào nhoáng, có những cái đặt bút ký hợp đồng sáng choang… Bởi vậy mà nhà đài từng mở hẳn “gameshow” để tìm ra những CEO tương lai trên truyền hình thu hút rất đông khán giả trẻ quan tâm.

Người trẻ làm CEO, gần như sẽ gắn với khởi nghiệp, bởi hiếm có CEO trẻ tuổi nào được lựa chọn ngồi vào ghế điều hành của một tập đoàn đã khẳng định thành công. Song, sự hào nhoáng và hấp dẫn của những CEO, khởi nghiệp, dự án, đầu tư… hoàn toàn không thể hiện được toàn cảnh bức tranh với không ít gam màu xám tối. Những cái vò đầu, bứt tóc đến kiệt quệ, những sự bất lực, thất vọng tới cùng cực khi nhận ra thất bại, hoặc đối mặt với những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, những túng thiếu của một người đứng bên bờ vực phá sản… là một phần rất khác của bức tranh CEO - Khởi nghiệp, bên cạnh nét hào nhoáng ban đầu.

Khởi nghiệp là con đường khốc liệt chỉ dành cho người có ước mơ lớn và dám làm ảnh 2

Khởi nghiệp là con đường khốc liệt chỉ dành cho người có ước mơ lớn và dám làm ảnh 3Buổi giao lưu tràn ngập niềm vui của các em học sinh khi được bà Trần Uyên Phương chia sẻ 

Bởi đã trải qua hết những thăng trầm, những cảm xúc tụt xuống đáy thất vọng và đau đớn, cho tới sự thăng hoa, vui sướng trào nước mắt, nên những chia sẻ của tác giả cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” - bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát luôn cuốn hút người nghe mỗi dịp có cơ hội xuất hiện, chia sẻ.

Buổi giao lưu “Hướng nghiệp trước ngưỡng cửa vào đời” do Báo An ninh Thủ đô phối hợp cùng Tập đoàn Tân Hiệp Phát tổ chức dành cho các em học sinh các trường THPT trên địa bàn Hà Nội là một trong những sự kiện đặc biệt như vậy.

Một trong những diễn giả chính tại chương trình - bà Trần Uyên Phương đã có những chia sẻ làm “bùng” lên ngọn lửa nhiệt huyết, quyết tâm trong lòng các bạn trẻ, vốn còn đang loay hoay lựa chọn con đường đi sau này. Cá tính của “cô gái tỷ đô” là vậy, bởi trong suy nghĩ của mình, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương luôn quan niệm rằng, một khi đã bỏ thời gian vào bất kỳ công việc gì, thì phải thấy được một kết quả tích cực cụ thể. Bởi thế, khi nhìn thấy những ánh mắt rụt rè, sự thiếu tự tin của các bạn trẻ, tác giả “Chuyện nhà Dr. Thanh” bước xuống sân khấu, đứng cạnh các bạn học sinh vừa chia sẻ vừa động viên khích lệ.

Khởi nghiệp là con đường khốc liệt chỉ dành cho người có ước mơ lớn và dám làm ảnh 4Buổi giao lưu rất thiết thực đối với các em học sinh THPT trước thời khắc bước vào ngưỡng cửa cuộc đời

Con đường không trải hoa hồng mang tên “khởi nghiệp”

“Học cái gì và học thế nào là đúng?” - câu hỏi được nhiều bạn nêu ra đã được trả lời rất đơn giản nhưng đầy đủ ý nghĩa: Học sao cho phải “hành” - thực hành được, thì mới đúng là học. Nếu học mà chưa “hành”, thì tức là người học chỉ nhắc lại điều người khác nói, chứ chưa thực sự sở hữu kiến thức cho riêng mình. “Vậy khi khởi nghiệp, nếu thất bại tới mức đau quá, sâu quá, không thể đứng dậy nổi, thì em nên làm gì?” - Hãy nghỉ ngơi và tiếp tục đứng dậy, để bước tiếp, vì nếu không tự mình đứng dậy thì sẽ chẳng có ai đủ sức, đủ tốt để giúp mình cả.

Chỉ với 2 câu trả lời đơn giản đó, các bạn trẻ đã thực sự được truyền cảm hứng và hiểu hơn về con đường không trải hoa hồng mang tên “khởi nghiệp”. Muốn khởi nghiệp thành công, không thể không giỏi! Muốn giỏi, phải học, nhưng là học thực chất để vận dụng tối đa vào công việc và cuộc sống, chứ không phải thứ học “trả bài” đối phó. Và muốn khởi nghiệp thành công, không thể dễ dàng đầu hàng thất bại. Thậm chí, càng thất bại, lại càng phải mạnh mẽ đứng lên… Chỉ 2 câu trả lời, “cô gái tỷ đô” đã nói lên rất nhiều điều về khởi nghiệp. Có lẽ vì thế mà những học sinh ban đầu còn rụt rè, tự ti đã trở nên phấn chấn hơn nhiều, sau khi được truyền nguồn cảm hứng thú vị.

“Thành công lớn chỉ dành cho những người dám ước mơ lớn và dám quyết tâm thực hiện ước mơ” là câu nói của ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát được dẫn lại trong chương 3 của cuốn sách “Competing with  Giants” (Vượt lên người khổng lồ), do bà Trần Uyên Phương làm đồng tác giả. Câu nói và cũng là quan điểm này, có thể trở thành “bí quyết” gối đầu giường cho những người khởi nghiệp. Bí quyết đó, xin được đặt tên là: “Bí quyết nội lực dành cho start-up”.

Khởi nghiệp là con đường khốc liệt chỉ dành cho người có ước mơ lớn và dám làm ảnh 5“Bông hồng sa mạc” Vũ Phương Thanh cô gái châu Á đầu tiên chinh phục 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới cũng có mặt tại buổi giao lưu để chia sẻ 

- “Học cái gì và học thế nào là đúng?”. 

- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương: Học sao cho phải “hành” - thực hành được, thì mới đúng là học. Nếu học mà chưa “hành”, thì tức là người học chỉ nhắc lại điều người khác nói, chứ chưa thực sự sở hữu kiến thức cho riêng mình. 

- “Vậy khi khởi nghiệp, nếu thất bại tới mức đau quá, sâu quá, không thể đứng dậy nổi, thì em nên làm gì?”

- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương: Hãy nghỉ ngơi và tiếp tục đứng dậy, để bước tiếp, vì nếu không tự mình đứng dậy thì sẽ chẳng có ai đủ sức, đủ tốt để giúp mình cả!