Còn dư địa để giảm lãi suất cho vay?

ANTD.VN - Dù lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh nhưng lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm rất khó giảm.

Theo quy luật, càng về cuối năm, nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp càng tăng cao. Trong khi đó, các áp lực tăng lãi suất vẫn còn khiến mục tiêu giữ ổn định, thậm chí giảm lãi suất cho vay trong năm nay gặp nhiều khó khăn.

Còn dư địa để giảm lãi suất cho vay? ảnh 1Lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ khó giảm

Thanh khoản dồi dào

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), mặt bằng lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến trong khoảng từ 4,8-5,4%/năm; kỳ hạn từ 6-12 tháng ở mức 5,4-6,5%/năm; kỳ hạn trên  12 tháng từ 6,5-7,2%/năm. Lãi suất cho vay VND phổ biến khoảng từ  6-9%/năm đối với ngắn hạn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Riêng với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn có thể ở mức 4-5%/năm.

“Lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) và thị trường 1 (thị trường đối với các thành phần ngoài ngân hàng) cũng có sự liên thông nhưng không thực sự liên kết chặt chẽ như ở nước ngoài. Vì vậy, việc lãi suất liên ngân hàng giảm không hẳn sẽ kéo theo lãi suất trên thị trường 1 giảm”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu (Chuyên gia tài chính - ngân hàng)

Xác định mục tiêu ổn định lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay là rất khó khăn, thời gian qua, NHNN theo dõi rất sát diễn biến lãi suất trên thị trường. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, những tháng đầu năm, một số ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động, tuy nhiên chủ yếu ở những kỳ hạn trên 12 tháng và phát hành chứng chỉ tiền gửi.

“Trước diễn biến này, NHNN đã chủ động họp với các ngân hàng thương mại để tìm nguyên nhân và chỉ đạo các tổ chức tín dụng đưa ra các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất. Trong điều hành thanh khoản, tiền tệ, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thông qua nghiệp vụ thị trường mở hàng ngày, NHNN cũng đã điều tiết rất hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng giữ ổn định mặt bằng lãi suất”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết. 

Đánh giá về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hoạt động này đã đạt được những thành công đáng kể, kiểm soát lạm phát tốt, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt...

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, tuần qua, lãi suất trên thị trường này đã giảm tuần thứ năm liên tiếp. Lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng lần lượt giảm về mức 2.7%, 2.9% và 3.5%. Theo các chuyên gia, lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp cho thấy thanh khoản các ngân hàng dồi dào - đây là một “bệ đỡ” quan trọng giúp các ngân hàng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp. 

Lãi suất khó giảm

Đánh giá việc lãi suất liên ngân hàng giảm là một tiền đề để giảm lãi suất cho vay nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay (lạm phát vẫn chưa thực sự được kiềm chế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% đòi hỏi một lượng vốn lớn, lãi suất trái phiếu Chính phủ cao, nợ xấu chưa được xử lý triệt để, tác động bất lợi từ thị trường tài chính thế giới...) lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm khó giảm.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, về lý thuyết, việc giảm lãi suất cho vay có thể làm được bằng cách mua lại trái phiếu trên thị trường mở (OMO), đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, NHNN không có tính độc lập như ngân hàng Trung ương ở một số nước trên thế giới. Trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ ở nước ta khá cao nên NHNN không dễ giảm lãi suất bằng cách “bơm” tiền ra.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, hiện nay, chỉ số lợi nhuận so với vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng Việt Nam còn khá thấp so với các nước trên thế giới, khoảng 7%. Trong khi tỉ lệ này trên thế giới trung bình khoảng 10-12%. Hệ số NIM (chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả trung bình của ngân hàng) cũng thấp hơn mức bình quân nhiều nước, chỉ vừa đủ để họ chi phí và có một chút lãi. Vì vậy, theo các chuyên gia, dư địa để giảm lãi suất từ nay đến cuối năm còn rất ít, nếu không muốn nói là không thể.