Còn dư chấn lâu dài

ANTĐ - Thú thật từ hơn tháng trời nay, từ sau những trận động đất “nhân tạo” ở Bắc Trà My, nơi đặt Thủy điện Sông Tranh 2, tôi cảm thấy tách trà sáng dường như cũng… chao đảo, trong lòng không yên tĩnh nổi.

- Sống trong thời buổi này, tôi khuyên những người như ông không nên dễ xúc động quá mà ảnh hưởng đến trái tim “đa cảm”. Phải tập rèn luyện cho quen trước những cơn động đất, những vụ án chấn động. Ai dám đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không còn xảy ra những vụ kinh động hơn thế?

- Theo lời ông thì những người “yếu tim”, dễ tăng huyết áp nên quen dần với những tin “sốc”. Đến mức tim chai lì, chai sạm rồi sẽ đạt đến độ vô tâm, vô cảm. Khốn nỗi, ở trong đó động đất không giảm nhẹ theo lời “trấn an” của những người có trách nhiệm trước số phận của hàng ngàn người dân nghèo sống dưới 730 triệu m3 nước “treo” ngay trên đầu. 

- Nghe nói ông Trưởng ban Quản lý, chủ đầu tư Thủy điện Sông Tranh 2 đã hùng hồn kêu gọi “Dân nên chia sẻ và hy sinh cho thủy điện”.

- Hóa ra trái tim “già cỗi” của ông vẫn còn… đập theo nhịp phấp phỏng, lo âu, nơm nớp ngày đêm của đồng bào trong ấy. Tôi bức xúc chính là bởi câu nói của chính cái ông chủ đầu tư ấy. Hàng trăm công trình thủy điện trên cả nước, hàng chục vạn người dân đã chia sẻ, hy sinh đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, cuộc sống xáo trộn. Bây giờ bà con còn gì mà chia sẻ hy sinh nữa?

- Câu nói đó chưa gây “chấn động” lòng dân bằng câu nói của một vị Tiến sĩ Viện Vật lý địa cầu chê dân là “quá kém hiểu biết, chỉ mới nghe động là đã hốt hoảng, bỏ nhà cửa, đồ đạc tháo chạy”.

- Thôi xin ông “sờ tốp” cho kẻo tôi… đột quỵ mất. Xưa có câu “Rút dây động rừng”. Nói bỏ ngoài tai, “may” mà có động đất mới “động” đến bao chuyện. Chấn động mạnh nhất còn để lại dư chấn lâu dài là trách nhiệm trước dân.