Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII:

Còn độc quyền, người dân còn khổ

ANTĐ - Chiều 21-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và kế hoạch, nhiệm vụ năm 2012. Sáng cùng ngày, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 2 dự án Luật Lưu trữ và Luật Đo lường.

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội): “Cần có chính sách xác định rõ ràng

trách nhiệm công vụ của từng cá nhân”


Không để tư thương lũng đoạn

Phản ánh đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do giá cả tăng cao, nhiều ĐBQH cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục tập trung làm tốt công tác kiềm chế lạm phát. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, lạm phát cao kéo dài từ năm 2007 đến nay, chẩn đoán bệnh đã xác định đúng nguyên nhân nhưng giải pháp lại không triệt để. Đơn cử, khâu trung gian giữa sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt là nông sản đang bị buông lỏng. Giá nông sản dân bán ra giảm giá, nhưng giá thị trường ở TP Hồ Chí Minh và nhiều nơi vẫn tăng. Do đó, phải có giải pháp hạn chế nạn tư thương lũng đoạn thị trường.

Nhiều ĐBQH đồng tình với quan điểm của Chính phủ là ưu tiên tái cơ cấu nền kinh tế. ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh, tái cơ cấu phải bắt đầu từ những tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước. Bà nói: “Phải nâng cao yếu tố cạnh tranh lành mạnh trong mọi lĩnh vực, còn độc quyền thì người dân còn khổ. Điện là một ví dụ, bán giá nào dân chẳng phải mua vì còn độc quyền...”. ĐB Bùi Thị An cũng kiến nghị, phải tổ chức lại hệ thống phân phối, tránh tình trạng siêu lợi nhuận rơi vào túi trung gian: “Nông dân vẫn thiệt thòi lắm, trúng mùa mà vẫn khó khăn. Mớ rau mua tại gốc chỉ 1.000 đồng nhưng đem ra Hà Nội bán 5.000-6.000 đồng. Chênh lệch ấy, tư thương lấy hết...”.

Rõ trách nhiệm từng cá nhân

Không thực sự hài lòng với báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ cũng như bản thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, chất lượng của các báo cáo này chưa đúng tầm. Ông góp ý: “Tôi cho rằng phải nâng cao hơn nữa tính phản biện của các Ủy ban thuộc Quốc hội. Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế của Ủy ban Kinh tế làm tôi thất vọng. Đây là việc cần rút kinh nghiệm...”. Chỉ ra một số “căn bệnh” của nền kinh tế, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, nguyên nhân vẫn bởi năng lực quản lý yếu kém. “Thế giới đã trải qua, sách đã dạy rồi nhưng chúng ta vẫn giẫm vào lối mòn, từ chứng khoán tới tín dụng đều như vậy. Cần nghiêm khắc hơn nữa mới khắc phục được những căn bệnh trầm kha này...” - ĐB Quyền nói. Góp ý vào các giải pháp phòng, chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng: “Cần có chính sách xác định rõ ràng trách nhiệm công vụ của từng cá nhân. Hiện nay, trách nhiệm rất khó xác định, cứ như “đấm vào không trung”. Kiểm điểm thường nói chung chung, kiểu “trách nhiệm tập thể”, không có địa chỉ cụ thể...”. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng đồng tình, phải có giải pháp đột phá về chống tham nhũng. Ông nói: “Tham nhũng làm méo mó đầu tư công và cải cách hành chính”.

Chưa thể yên tâm về tình hình kinh tế vĩ mô, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cảnh báo, nợ xấu ngân hàng đang ở mức báo động. Trong khi đó, thị trường bất động sản và chứng khoán đều ảm đạm, không biết bao giờ mới có thể ấm lại được. Ông nói: “Các nhà đầu tư hỏi rằng, chúng tôi phải cố gắng nín thở chờ bao lâu nữa? Nín quá coi chừng tắc thở luôn...”. Đồng thời, phải kiểm soát chặt thị trường vàng và ngoại hối để dòng tiền không ồ ạt chảy vào đó mà là nguồn lực cho sản xuất kinh doanh.

Phải “quét” sạch tín dụng đen

Còn độc quyền, người dân còn khổ ảnh 2
ĐBQH Nguyễn Đức Chung (Hà Nội): “Phải thắt chặt quản lý lưu thông tiền mặt...”

Từ tình trạng vỡ nợ hàng loạt trên những thành phố lớn đang xảy ra hiện nay, ĐB Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tín dụng đen lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho thấy tính lành mạnh của thị trường vốn có vấn đề. Phân tích sâu hơn, ĐB Nguyễn Đức Chung, Đại tá, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cảnh báo, đó là hệ quả của việc quản lý hệ thống tiền mặt lỏng lẻo. Đại tá Nguyễn Đức Chung nói: “Lưu thông lượng tiền mặt quá lớn trong khi quản lý lỏng lẻo là nhân tố tạo nên thị trường tín dụng đen. Với tình hình như hiện nay, dự báo tình trạng vỡ nợ còn tiếp diễn xấu, ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh trật tự an toàn xã hội. Do đó, phải thắt chặt quản lý lưu thông tiền mặt trong các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp cũng như với cá nhân. Cùng với đó, phải dứt khoát quét sạch tín dụng đen...”. Cũng liên quan tới an ninh trật tự, Đại tá Nguyễn Đức Chung cho biết, khả năng tiếp cận cơ hội tìm kiếm việc làm của người mãn hạn tù hiện nay rất khó khăn. Không chỉ các cơ quan Nhà nước mà các doanh nghiệp bình thường cũng phân biệt đối xử trong tuyển dụng đối với người mãn hạn tù. “Nhiều người mãn hạn tù không tìm được việc làm nên đổ hết ra thành phố kiếm sống. Thế nên, tội phạm ngoại tỉnh trở thành gánh nặng cho Hà Nội. Tôi cho rằng, cần điều chỉnh chính sách để xã hội có cái nhìn tiến bộ hơn về người mãn hạn tù, để họ có thể tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn...”.