Mê Linh: Ám ảnh “bóng ma” vỡ nợ (1)

“Cơn bão” tín dụng đen

ANTĐ - Trước Tết Nguyên đán, Hà Nội xôn xao bởi những vụ vỡ nợ của các “đại gia” diễn ra liên tiếp đẩy hàng trăm hộ dân cho vay vào cảnh lao đao. Những tưởng dư luận đã tạm lắng sau đợt sóng cồn thì mới đây những dấu hiệu của một “cơn bão” vỡ nợ tín dụng đen mới lại bắt đầu hình thành tại huyện Mê Linh.

“Cơn bão” tín dụng đen  ảnh 1
Đống gạch vỡ đổ trước cửa nhà con nợ là vợ chồng T-H để gây áp lực

“Áp thấp” đang hình thành

Năm ngoái khi các vụ vỡ nợ diễn ra với tần suất dày đặc trên các địa bàn: Cầu Giấy, Hà Đông, Phú Xuyên, Đan Phượng… nhiều đến nỗi người ta phải so sánh nó với một “cơn bão” thì những gì đang ngấm ngầm diễn ra tại Mê Linh hiện nay có thể gọi là dấu hiệu của một đợt áp thấp nhiệt đới mới. Sở dĩ phải dùng đến những từ ngữ mang tính chất dự báo thời tiết để phản ánh tình trạng này đơn giản vì đối với người dân, năng lực thanh toán chính là hàn thử biểu để đo mức độ ổn định về tình hình kinh tế mà họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Ở Mê Linh bây giờ, người góp phần giúp cho “cơn bão” này chuẩn bị đổ bộ chính là vợ chồng “đại gia” Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị H trú tại xã Văn Khê. Dư luận hiện đang sốt sình sịch vì từ sau tết đến giờ cặp vợ chồng này đã… bỗng dưng “mất tích” cùng số nợ bà con nông dân lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo những gì mà chính quyền xã Văn Khê nhận định thì nơi đây đang có nhiều tín hiệu bất thường. “Cả xã có gần 50 doanh nghiệp và có từ 5-7 doanh nghiệp có hình thức huy động vốn theo cách vay nợ bà con nhân dân với mức trả lãi cao hơn so với lãi suất ngân hàng. Qua công tác nắm tình hình thì hầu hết những doanh nghiệp đó đều đang trong tình trạng cầm đèn đỏ về khả năng thanh toán. Tuy nhiên, xã chưa nhận được đơn thư tố cáo của nhân dân, ngân hàng cũng chưa thấy gửi thông báo yêu cầu phong tỏa tài sản, các doanh nghiệp này cũng chưa tuyên bố phá sản theo Luật Doanh nghiệp. Thế cho nên chúng tôi chưa có căn cứ để khẳng định bất cứ điều gì” - ông Nguyễn Văn Như, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết.

Những dấu hiệu mà ông Như nhận định chính là việc bà con trong xã bàn tán xôn xao và mới đây nhất đã có người còn phản ứng trước việc không đòi được tiền cho “đại gia” vay bằng cách đổ cả xe gạch vỡ  trước cửa nhà để gây áp lực. Thậm chí “đại gia” này vì không có tiền trả đã phải thanh toán bằng cách tháo khoán hàng hóa tại siêu thị của mình cho bà con với cách tính đắt hơn nhiều so với giá thị trường. Tất nhiên, với cách nghĩ “méo mó có hơn không”, đã có nhiều người dân đành chấp nhận kiểu thanh toán này nhằm vớt vát số tiền trót cho vay.

Những cơn sóng ngầm

Người đầu tiên đứng ra tố cáo cặp vợ chồng đại gia này chính là anh Nguyễn Văn Quân trú tại thôn 12 thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê. “Người ta ăn trộm 1 chiếc xe máy còn bị đi tù, huống hồ vợ chồng T - H lừa của chúng tôi hàng chục tỷ đồng để ăn chơi phè phỡn sao lại cứ nhơn nhơn trước pháp luật?” - anh Quân bức xúc. Hôm chúng tôi tìm về gặp anh Quân, nghe tin có nhà báo về tìm hiểu vụ việc, nhoáng một cái người dân đã kéo tới chật nhà. Ai cũng cầm theo hàng mớ giấy tờ mà cặp vợ chồng “đại gia” đã viết khi vay nợ họ. Hầu hết các giấy vay nợ này đều đã quá hạn cả gốc lẫn lãi hàng tháng trời và những người cho vay đều chịu chết không biết tìm con nợ ở đâu để đòi lại. Bày la liệt giấy tờ cho vay ra bàn, anh Quân bảo: “Tôi với thằng T vốn là bạn học. Cực chẳng đã mới phải làm cái việc kiện cáo nhau thế này. Anh tính cả thôn có tới 90% bà con sống bằng nghề nông, thế mà nó lừa tất, vay tất để đến bây giờ ai đòi cũng không trả”. 

Theo anh Quân, số tiền vợ chồng T - H nợ của bà con ít nhất lên tới 30 tỷ đồng. Ở quê, với những người nông dân chân lấm tay bùn thì con số  đó là rất khủng khiếp. Sở dĩ anh Quân chắc chắn như thế là bởi chính anh đã bỏ công đi hỏi và thống kê hầu hết những người mà anh biết. Người ít thì trên dưới 10 triệu, nhiều thì hơn 1 tỷ đồng. Nén tiếng thở dài, anh Quân bảo: “Như tôi đây, nó vay tổng cộng 670 triệu đồng. Hứa hẹn chắc như đinh đóng cột là vay để xây dựng và mở siêu thị… Đến thời điểm này tôi có thể khẳng định anh T không có khả năng để trả nợ. Có nhiều người hiện vẫn hy vọng vợ chồng T - H quay về trả nợ nên họ không làm đơn. Có người trước đây từng làm đơn tố cáo nhưng T đã rất mưu mô khi xoa dịu họ bằng những lời hứa rằng nếu rút đơn T sẽ ưu tiên trả trước. Đến giờ họ vẫn tin điều đó. Tôi là bạn của T từ thuở bé nên tôi hiểu hơn ai hết. Không còn hy vọng nào nữa. Ô tô bị xiết nợ, còn nhà “gán” cho ngân hàng từ lâu rồi”. Anh Quân cho vợ chồng T - H vay ba lần với tổng số tiền là 670 triệu đồng từ năm ngoái, nhưng đến nay “đại gia” này mới chỉ trả cho anh Quân được 2 tháng tiền lãi. Còn tiền gốc thì lờ tịt và ông “bạn vàng” lại bặt vô âm tín. Anh Quân đã nhiều lần sang đòi không được và cho gần Tết Nguyên đán cả hai vợ chồng T đều mất dạng, điện thoại luôn ngoài vùng phủ sóng. “Bây giờ thì tôi biết là đã bị vợ chồng T - H lừa rồi” - anh Quân nói.

(Còn nữa)