Kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Lực lượng An ninh Nhân dân (12-7-1946/12-7-2016)

"Con báo đốm" giữa núi rừng Tây Bắc

ANTĐ - Gần 80 tuổi đời, hơn 54 tuổi Đảng, Thượng tá Cà Ngọc Duyên, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, xứng danh là một “con báo đốm” giữa núi rừng Tây Bắc năm nào mà đồng đội yêu mến đặt cho ông. Từ một cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ, được Đảng, lực lượng Công an và nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng, sau này cậu bé Cà Ngọc Duyên đã trở thành một chiến sĩ An ninh nhân dân, là nỗi khiếp sợ của những toán biệt kích, gián điệp. 

"Con báo đốm" giữa núi rừng Tây Bắc ảnh 1Người chiến sĩ An ninh Tây Bắc vẫn tự hào mỗi khi nhắc đến những tháng ngày chống biệt kích, gián điệp 

Tuổi thơ dữ dội và tố chất của một người lính

Sinh ra trên đồi Khâu Cả chỉ cách nhà ngục Sơn La khoảng 200m, ngay từ lúc mới lọt lòng chưa được bao lâu, cậu bé Cà Ngọc Duyên đã phải hứng chịu “cú đánh” nghiệt ngã của số phận khi cha mẹ lần lượt qua đời. Thương đứa bé còn nhỏ côi cút, một đôi vợ chồng ở gần đó đã đem Cà Ngọc Duyên về nuôi dưỡng.

Được trời phú cho sức khỏe, lòng gan dạ và đôi chân chạy nhanh cùng sự tinh tường như “con báo đốm” của núi rừng Tây Bắc, ngay từ những ngày nhỏ, ông đã được các đồng chí bộ đội, công an tuyển chọn làm các công việc như cấp dưỡng, rồi liên lạc giữa các đơn vị. Bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1953, trong những ngày đầu, ông được thủ trưởng đơn vị giao làm các công việc lặt vặt. Tuy nhiên, sau này, nhận thấy những tố chất đặc biệt của ông, chỉ huy đã giao cho ông những công việc khó khăn hơn, vừa là để người chiến sĩ trẻ trau dồi bản lĩnh cũng như có thêm kinh nghiệm cho công cuộc bảo vệ an ninh sau này. 

Sau khi được tuyển chọn và học xong khóa đào tạo ở trường Công an Trung ương C500, nay là Học viện An ninh nhân dân, ông được cấp trên phân công trở về làm trinh sát bảo vệ chính trị tại Công an khu tự trị Tây Bắc. Ngày 27-5-1962, cuộc đời chống gián điệp, biệt kích của ông bắt đầu. Nhiệm vụ chính của ông là ghi chép, tổng hợp sổ tang vật do địch thả để bàn giao cho các cán bộ Bộ Công an.

Đến tháng 3-1963, ông được đồng chí Trần Triệu, Giám đốc Công an khu tự trị Tây Bắc cử lên tăng cường cho Tổ chuyên án K.32 tại địa bàn tỉnh Điện Biên. Đây là tổ chuyên án có nhiệm vụ bắt sống toán gián điệp, biệt kích với tên gọi toán Remus. Thời gian đầu, nhiệm vụ của ông là nghiên cứu tài liệu liên quan đến toán gián điệp, biệt kích này, đồng thời nghiên cứu những bức điện chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp trên và đề xuất các biện pháp đánh địch với chỉ huy các cấp.  

Cũng trong năm 1963, thông qua việc bắt sóng được điện đài của địch, ông và các đồng chí trong Tổ chuyên án K.32 phát hiện địch sẽ dùng máy bay từ miền Nam đưa các biệt kích, gián điệp - có nhiệm vụ tăng cường cho toán Remus nhằm chống phá quyết liệt cách mạng của ta đến thả ấn định tại vùng hẻo lánh cách sân bay Điện Biên một ngày leo núi, sát với biên giới Việt Nam - Lào. Ngay lập tức, ông và các đồng chí trong tổ chuyên án xây dựng nhanh chóng phương án đón lõng, bắt giữ 2 tên gián điệp, biệt kích này. Từ đây, trò chơi “mèo vờn chuột” giữa ông và đồng đội với địch bắt đầu diễn ra...

Chuyên gia bắt biệt kích, gián điệp 

Sau nhiều ngày thăm dò, theo hẹn của trung tâm địch ở Sài Gòn, đúng 1h sáng có 1 chiếc máy bay đến thả 2 tên biệt kích, gián điệp. Tuy nhiên, địa điểm chúng thả lại lạc ở rất xa so với nơi đốt lửa hiệu. Lập tức, ông và các đồng chí công an vũ trang chạy băng rừng cỏ lau sậy dày đặc đến kịp thời bắt giữ cả 2 tên khi chúng đang lúi húi tháo dây dù. Sau khi đưa chúng đến nơi trú quân để tiến hành hỏi cung khai thác, một tên khai là Bế Ích Đạm (49 tuổi), dân tộc Thổ ở Cao Bằng, từng là quan nhất lính khố xanh cho Pháp đóng ở Phong Thổ, Lai Châu. Bế Ích Đạm lấy một người vợ dân tộc Thái ở Phong Thổ. Sau khi Pháp thất thủ tại Biện Biên Phủ, Đạm di cư vào Nam ở tỉnh Lâm Đồng. Đối tượng biệt kích, gián điệp còn lại là Điêu Chính Hòa, người dân tộc Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai, Sơn La. 

Khi tiến hành hỏi cung lấy lời khai, Bế Ích Đạm chỉ khóc và nhất định không chịu khai báo gì. Từ những lời khai của Điêu Chính Hòa, ông và Tổ chuyên án biết được lý do Đạm khóc là do y có một người vợ nhưng hai vợ chồng ở với nhau mãi không có con, khi bị bắt, đối tượng lo sợ và nhớ vợ nên khóc, không chịu khai báo. “Đánh” vào điểm yếu này của Đạm, ông đã phân tích, giải thích chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước từ đó khiến Đạm thành khẩn khai báo. Nhiệm vụ của Bế Ích Đạm được xem là trụ cột, cổ vũ động viên cho những tên gián điệp, biệt kích trẻ đang hoạt động lén lút tại vùng rừng núi Tây Bắc. 

…Hai năm sau, cũng tại địa điểm này, Tổ chuyên án K.32 của ông cũng đã đón bắt 4 tên gián điệp, biệt kích khác tăng cường cho toán Remus sau khi chúng nhảy dù từ máy bay xuống. Ở một diễn biến khác 2 tên gián điệp biệt kích còn lại đã bỏ trốn. Ông cùng các đồng đội lần theo những dấu vết của chúng để truy bắt, bất ngờ 2 tên gián điệp, biệt kích quay ngược lại bắn xối xả vào lực lượng công an vũ trang. Tuy nhiên, do đã phòng bị từ trước nên ông cùng đồng đội nhanh chóng nhảy xuống hố đất cạnh đó né tránh nên không bị trúng đạn. Chúng tiếp tục chạy.

Quyết bắt đối tượng, ông và đồng đội phối hợp cùng người dân, dân quân ở bản Nà Pheo truy đuổi 2 tên gián điệp, biệt kích đến cùng. Khi đường sát biên giới với nước bạn Lào đã ở trước mắt thì ông lần lượt hạ gục và bắt gọn cả hai. Một tên gián điệp bị bắt là Đình Công Quân, được địch giao nhiệm vụ làm toán trưởng tăng cường cho toán Remus. 

Đến năm 1977, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chống gián điệp, biệt kích, ông và 5 đồng chí khác đã được Bộ Công an trưng tập đi chi viện cho Công an tỉnh Lâm Đồng về công tác chống Furo. Đoàn chi viện năm ấy đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Quyết, Thứ trưởng Bộ Công an. Những tháng ngày sau đó, đoàn chi viện của ông đã hỗ trợ đắc lực cho Công an tỉnh Lâm Đồng trong công tác phát hiện, bắt giữ, thu thập thông tin liên quan đến các đối tượng Furo, gián điệp cài lại nhằm chờ thời cơ chống phá cách mạng…

Những kỷ niệm không quên

Lần về hồi ức năm xưa, Thượng tá Cà Ngọc Duyên nhớ lại những tháng ngày ăn bờ ngủ bụi trong những tán rừng hẻo lánh ở vùng Tây Bắc để đón lõng, bắt giữ gián điệp, những toán biệt kích. Với ông, đó là những kỷ niệm không thể nào quên, là những năm tháng đẹp đẽ, hào hùng nhất của cuộc đời binh nghiệp. Để phòng chống, đấu tranh hiệu quả với gián điệp, biệt kích, Thượng tá Cà Ngọc Duyên chia sẻ rằng chỉ dựa vào yếu tố sức khỏe là không đủ.

Trong cuộc chiến ấy, người trinh sát, chiến sĩ an ninh nhân dân phải sắc sảo, mưu trí, kỷ luật, thông thuộc địa bàn, dẻo dai khi tác chiến, luôn luôn tỉnh táo, có phương án dự phòng trước mọi tình huống. Trong điều kiện trú quân ở những vùng núi xa xôi của Tổ quốc, chuyện ăn quả rừng, uống nước suối hay cuốc bộ, cắt rừng, leo đồi cả tuần lễ là chuyện thường. Khi chúng tôi hỏi cái khó nhất trong công tác phòng chống gián điệp, biệt kích là gì thì ông đáp: “Đó chính là việc tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho địch, để địch rơi vào thế trận của ta”. Qua những lần trò chuyện, bắt liên lạc bằng điện đàm, ông và những đồng đội của mình đã thành công trong việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chủ động giăng ra, chờ đợi sẵn “con mồi” sập bẫy. 

Quá trình bắt giữ các đối tượng gián điệp, toán biệt kích của ông và các chiến sĩ an ninh cũng vô cùng nguy hiểm, vất vả. Sau khi đã thống nhất địa điểm máy bay thả gián điệp, biệt kích, địch thường chọn những đêm thời tiết rất xấu hoặc trăng sáng để thả gián điệp, biệt kích nhằm tránh bị phát hiện. Có những lần chúng thả gián điệp, biệt kích cách xa địa điểm đốt lửa hiệu hàng km. Những lúc ấy, trong khi gián điệp biệt kích còn đang lơ lửng trên trời, ông và đồng đội phải nhanh chóng chạy cắt rừng, vượt qua thác suối, làm sao đến được điểm chúng rơi sớm nhất. Những lần guồng chân nhanh như cắt, bất chấp hiểm nguy, tinh tường “thoát” chướng ngại vật, Thượng tá Cà Ngọc Duyên luôn phát huy được tố chất đôi chân của mình; chính vì thế đồng đội đã đặt biệt danh cho ông là “con báo đốm”.

Thượng tá Cà Ngọc Duyên kể lại: “Nếu không nhanh, chỉ cần đến muộn vài phút thôi, toán biệt kích, gián điệp được thả xuống sẽ thu dù, biến mất vào rừng, từ đó nguy cơ bị lộ kế hoạch cũng rất cao”. Gian khổ hơn là những lần đi thực địa tìm kiếm địa điểm thả biệt kích, gián điệp. Có đêm ông và đồng đội phải đứng ở dưới gốc cây cổ thụ để ngủ; hoặc đốt lửa, nằm xung quanh nhau, nắm chắc tay súng phòng hổ dữ lởn vởn quanh đó chỉ chực nhảy vào ăn thịt...

Cả cuộc đời gần như gắn bó với nhiệm vụ chống biệt kích, gián điệp, không nhớ có biết bao Bằng khen, Giấy khen, song đối với Thượng tá Cà Ngọc Duyên, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông lại chính là lần được vinh dự gặp Bác Hồ kính yêu vào cuối năm 1955, trong thời gian học tập tại Học viện An ninh nhân dân. “Đang ở trong phòng thì được nhà trường thông báo lên hội trường. Lúc này chúng tôi là những học sinh còn rất trẻ nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, mặc quần áo màu nâu từ xa đi lại.

Cả hội trường hô to “Bác Hồ, Bác Hồ” rồi chạy ùa tới. Bác ân cần hỏi han chuyện học hành, ăn uống, nghỉ ngơi của các cháu. Cả hội trường chẳng ai nói được gì mà chỉ đồng thanh hô to “Bác Hồ muôn năm, muôn năm” - Thượng tá Cà Ngọc Duyên xúc động nhớ lại - “Lần thứ hai tôi được gặp Bác là vào năm 1959, trong dịp Người lên thăm khu tự trị Tây Bắc. Tôi và đồng đội của mình có nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho Bác trong thời gian làm việc tại đây.

Những lần gặp Bác càng hun đúc trong tôi ngọn lửa cách mạng. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, lý tưởng cống hiến vì sự thống nhất non sông, bình yên của người dân luôn cháy bỏng trong tôi - một người chiến sĩ An ninh nhân dân. Nghề chọn người và cái nghiệp của tôi chính là gắn bó gần như cả đời với công tác an ninh, phòng chống gián điệp, biệt kích, một nhiệm vụ rất đặc thù, âm thầm, muôn vàn gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vinh quang và tự hào”.