"Cơn bão đỏ" Nga ở Syria: Những thành tựu và điểm nhấn

ANTD.VN - Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria được ví như một “cơn bão đỏ” giúp Syria giành thắng lợi trước các tổ chức khủng bố và phiến quân được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn.

Mới đây, nhà sử học người Pháp Michel Goya đã có một bài phân tích trên tờ Le Monde về những thành công quân sự của Nga được ví như “Cơn bão đỏ”, trong hai năm qua ở Syria. Trong đó, ông nhấn mạnh chiến thắng của Nga trước liên quân 68 nước do Mỹ lãnh đạo và những điểm nhấn đáng chú ý.

Nhà sử học Pháp đã nêu một số thành công quan trọng trong quá trình Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) ở Syria hỗ trợ Quân đội Ả rập Syria (SAA) chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm đối lập được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn. Trong đó:

Thành công thứ nhất là: Đạt được mục đích chính trị chủ yếu là củng cố vị thế chính trị của chính quyền Bashar al-Assad trước các nhóm đối lập, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán trên thế yếu.

Thành công thứ hai là: Giúp quân đội Syria ngày càng trở nên lớn mạnh về cả con người và vũ khí-trang bị lẫn tinh thần chiến đấu; giành lại phần lớn lãnh thổ từ tay các tổ chức khủng bố và phiến quân đối lập.

Thành công thứ ba là: Thử nghiệm vũ khí mới, đánh giá khả năng nâng cấp các vũ khí cũ để hoàn thiện kho trang bị; trình diễn tính năng ưu việt của vũ khí Nga trước các khách hàng thế giới, nhằm thúc đẩy thị phần xuất khẩu.

Thành công thứ tư là: Đánh bại Mỹ, nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực Trung Đông-Địa Trung Hải nói riêng và trên toàn thế giới; đánh dấu sự trở lại của một cường quốc thế giới như Liên Xô trước đây.

Nga đã tung nhiều vũ khí, trang bị sang giúp Syria và đạt được thành công lớn

Những thành công này được minh chứng bằng các chiến thắng rực rõ ở thành phố Aleppo (thủ phủ của tỉnh cùng tên ở phía Bắc Syria) vào tháng 12/2016, thành phố cổ Palmyra (thuộc tỉnh Homs - miền trung Syria) tháng 2/2017 và thành phố Deir Ezzor - (thủ phủ của tỉnh cùng tên ở sa mạc phía Đông Syria) vào đầu tháng 9/2017.

Vị chuyên gia Pháp còn đánh giá, nếu xét theo góc độ lực lượng và chi phí bỏ ra trong cuộc chiến chống khủng bố thì rõ ràng là Nga đã đầu tư ít hơn nhiều so với Liên minh chống khủng bố do Mỹ lãnh đạo (gồm 68 nước) nhưng những thành công mang lại thì vượt trội.

Hiện nay, Nga và Quân đội Syria đang bước sang Giai đoạn 2 của chiến dịch giải phóng tỉnh Deir Ezzor; vừa tiến hành truy quét tàn quân IS ở phía Bắc và phía Đông thành phố này; vừa nhanh chóng vượt qua bờ Tây sông Euphrates, tiến thẳng đến biên giới giáp với Iraq nhằm đạt được 2 mục đích sau:

Thứ nhất là: Tiến sang phía Đông, chặn bước tiến của 2 nhóm đối lập được Mỹ hậu thuẫn là SDF, tức Liên minh Dân chủ Syria (nòng cốt là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - YPG) và Quân đội Syria Tự do (FSA) đang tiến từ hướng al-Hasakah xuống lưu vực phía Đông sông Euphrates.

Thứ hai là: Chiếm nốt phần phía Đông của tỉnh Deir Ezzor, kiểm soát khu vực nhiều dầu mỏ nhất Syria; đồng thời nắm quyền kiểm soát toàn bộ dải biên giới Syria-Iraq và khu vực tam giác biên giới Syria-Iraq-Jordan; cắt đứt sự liên hệ giữa các nhóm phiến quân ở phía Nam và phía Bắc Syria.

Bản đồ chiến sự Syria ngày 15/9/2017: Vùng màu đỏ là Quân đội Syria kiểm soát; Vùng màu xanh là phiến đối lập; Vùng màu vàng là người Kurd; Vùng màu xám là IS

Nếu Nga hỗ trợ Quân đội Ả rập Syria (SAA) thực hiện thành công chiến dịch này, chính quyền Damascus có thể kiểm soát tới 70% diện tích lãnh thổ. Hiện nay, những khu vực còn nằm trong tay các nhóm đối lập và khủng bố sau:

(1) Toàn bộ tỉnh Idlib đang nằm trong tay Liên minh khủng bố-đối lập Hay’at Tahrir al-Sham, do nhóm khủng bố Jabhat Fatah al-Sham (trước đây là al-Nusra, chi nhánh của tổ chức khủng bố Qaeda) lãnh đạo; cùng với 2 nhóm đối lập là Ahrar al-Sham và Quân đội Syria Tự do (FSA).

(2) Phần phía Tây Bắc Aleppo là khu tự trị Afrin và phần phía Đông Bắc Aleppo là thị trấn Manbij nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd; Phần phía nằm giữa 2 khu vực của người Kurd, kéo dài từ phía Đông Afrin (phía Tây) đến Đông al-Bab nằm trong sự kiểm soát của Quân đội Syria Tự do, với sự hậu thuẫn của Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ; còn thành phố Aleppo và phía Nam của tỉnh nằm dưới sự kiểm soát của SAA.

(3) Hầu như toàn bộ tỉnh al-Hasakah nằm trong tay lực lượng vũ trang người Kurd - được Mỹ hỗ trợ và điều quân đồn trú để bảo vệ, trừ thành phố Qamishli đang còn nằm trong tay Quân đội Syria.

(4) Phần nhỏ các tỉnh phía Nam như Quneitra (giáp biên giới Israel), Daraa và Suwayda (giáp biên giới Jordan) đang nằm trong tay các nhóm phiến quân đối lập được Israel và Jordan hậu thuẫn; phần phía Đông Bắc trong tay phiến quân đối lập do Mỹ và Jordan kiểm soát.