Việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND:

Còn ái ngại cơ chế xin-cho

ANTĐ - Theo quy định, việc phong tặng danh hiệu NSƯT hay NSND, các nghệ sĩ  phải làm đơn “xin” xét duyệt và hoàn thành hồ sơ đề nghị phong tặng khiến nhiều nghệ sĩ ái ngại mà không còn tha thiết, thậm chí quay lưng lại với những danh hiệu này. Nhiều nghệ sĩ vất vả làm hồ sơ nhưng rồi không được duyệt. Cũng bởi thế mà quy chế xét tặng vấp phải nhiều ý kiến phản đối của những người trong cuộc. Trong khi đó, về phía những nhà quản lý thì lại nói việc làm hồ sơ xét tặng là cần thiết.
 

NSƯT Bảo Quốc: “Phong thì tôi nhận, chứ không... xin!”

Tôi không làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu NSND lần này dù đáp ứng đầy đủ những tiêu chí mà quy chế đặt ra. Sở dĩ vậy bởi tôi thấy quy định về thủ tục làm hồ sơ xin xét tặng chưa hợp lý. Tôi đồng ý với việc từ một người nghệ sĩ bình thường khi muốn được công nhận danh hiệu NSƯT thì phải làm bản kê khai thành tích cá nhân, nhưng khi đã là NSƯT rồi mà để xét lên NSND thì việc này là không cần thiết. Rõ ràng sau khi đã là NSƯT, cả quá trình mình hoạt động thế nào, cống hiến ra sao thì cả cơ quan chủ quản chuyên ngành lẫn công chúng khán giả đều nắm được. Thế nên nếu cơ quan chủ quản thấy ai xứng đáng, đủ điều kiện thì chủ động đề xuất lên Hội đồng cấp trên xét tặng danh hiệu cao hơn chứ giờ lại bắt anh em nghệ sĩ chúng tôi phải lóc cóc đi làm hồ sơ tường trình thành tích cá nhân, lại phải về chính quyền địa phương xin công chứng xác nhận nữa thì quả thật rất rườm rà và bất hợp lý. Tôi có tuổi rồi, bảo tôi làm việc đó thấy lòng tự trọng và danh dự người nghệ sĩ bị tổn thương. NSND là danh hiệu cao quý mà cả đời nghệ sĩ ai cũng mơ ước. Nhưng thôi, khi nào Hội đồng xét duyệt mà phong tặng thì tôi nhận, chứ tôi không đi xin. Mong sao việc xét tặng danh hiệu được thực hiện một cách khoa học hơn.

NSƯT Minh Vượng: Nhiều nghệ sĩ nhận phần thua thiệt

Tôi nhớ trong ghi chú của Bộ về việc xét duyệt danh hiệu có nói đến việc 5 năm sau khi được phong tặng

 

danh hiệu NSƯT mà không có Huy chương vàng nào thì... miễn làm hồ sơ xét duyệt NSND. Tôi cho rằng việc xét duyệt phải căn cứ vào tài năng và những cống hiến của người nghệ sĩ. Tôi không làm nghệ thuật vì huy chương hay danh hiệu, nhưng tôi muốn nói lên điều mà nhiều người bức xúc: nghệ sĩ thì chỉ có thời, có phải lúc nào cũng có hội diễn này liên hoan nọ đâu, mà có phải lúc nào mình cũng có vai tham gia thi thố mà đạt huy chương đâu. Nhiều người gặp tôi vẫn nói vui Minh Vượng là “nghệ sĩ của nhân dân”, được nhân dân biết đến là hạnh phúc rồi, chứ cứ áp theo tiêu chí mà xét thì rất nhiều anh chị em nghệ sĩ nhận phần thua thiệt về mình. Ấy là còn chưa kể trong hồ sơ xét duyệt phải tự liệt kê cụ thể năm tháng tham gia, vai, vở, huân huy chương các kiểu. Việc kê khai như vậy là làm khó nghệ sĩ. Trong khi đó, mỗi đơn vị nghệ thuật phải quản lý tới hàng trăm diễn viên nên việc nhớ từng thành tích cá nhân không phải dễ.

 
NSND Như Quỳnh: “Bắt nghệ sĩ tự kê khai gây tâm lý ức chế”

Việc yêu cầu mỗi người phải làm bản tự kê khai thành tích cá nhân khi xin xét duyệt danh hiệu gây tâm lý không thoải mái cho anh chị em nghệ sĩ. Tôi còn nhớ năm 1988 khi tôi thuộc diện bình xét NSƯT là cơ quan chủ quản tự đưa mình vào trong danh sách và gửi lên trình Hội đồng cấp trên xét duyệt chứ tôi có phải làm báo cáo thành tích cá nhân gì đâu, cũng chẳng phải làm hồ sơ chứng minh cho những thành tích của mình. Sau này, cơ quan quản lý ra quy định bắt buộc nghệ sĩ muốn xét tặng thì phải tự khai mà làm như thế quả là không hay. Bởi vì nghệ sĩ nào có đóng góp ra sao thì ai cũng đều biết cả, nhất là cơ quan quản lý và Hội đồng xét duyệt. Nên chăng thấy ai xứng đáng thì đưa họ vào danh sách. Chứ bắt buộc nghệ sĩ phải tự khai sẽ gây tâm lý ức chế. Vấn đề đặt ra là những nghệ sĩ có tài, có cống hiến lâu năm nhưng huân huy chương hạn chế thì nhiều lắm, phải làm sao giải quyết thỏa đáng đây. Tôi nghĩ để tạo sự công bằng và khích lệ anh chị em nghệ sĩ thì các hội phải phát huy được năng lực của mình, sát sao thành tích hội viên và giúp họ lập hồ sơ xét tặng danh hiệu

NSND Lê Tiến Thọ (Thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT): Cần thiết phải lập hồ sơ nghệ thuật
Trước đây, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, cùng việc trao tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh vẫn theo quy chế tạm thời. Năm nay đã có thông tư hướng dẫn thì cứ đúng theo tinh thần của thông tư mà triển khai thôi. Hiện cũng có một số nghệ sĩ, với lý do phải đơn từ, kê khai thành tích nên cũng ngại không tham gia việc xét tặng danh hiệu. Nhưng với tư cách thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thuộc Bộ VHTT&DL, cũng phải thấy rõ một điều rằng các nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh thì ai ai cũng biết mặt biết tên, còn các nghệ sĩ âm thầm cống hiến cho nghệ thuật như múa rối nước chẳng hạn, chỉ đứng sau tấm mành, ngâm mình xuống nước, làm gì có ai biết mặt đâu. Hay như các nghệ sĩ tuồng truyền thống ấy, họ lên sân khấu là vẽ mặt bôi râu. Làm gì có ai biết mặt đâu… Chính vì thế, cần phải có một hồ sơ, theo cách hiểu nôm na thì gọi là Hồ sơ nghệ thuật, để các thành viên Hội đồng xét tặng, căn cứ vào đó mà đưa ra quyết định, có bỏ phiếu thông qua việc phong tặng hay là không. Vì thế, theo tôi, việc này là cần thiết.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải: “Lắng nghe ý kiến từ nhiều phía”

Đây là năm đầu tiên áp dụng Thông tư hướng dẫn phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cùng với đó là xét tặng giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh. Theo đó, thông tư không bắt buộc các nghệ sĩ phải làm đơn xin phong tặng danh hiệu mà chỉ cần có một bản kê khai quá trình cống hiến cùng những thành tích đối với sự phát triển VHNT nước nhà. Việc này không thể không có, bởi phải theo các quy định hành chính chung, hơn nữa việc kê khai thể hiện tinh thần trách nhiệm của các nghệ sĩ. Bên cạnh đó, bản kê khai còn là tập hợp hồ sơ đầy đủ nhất về quá trình cống hiến của nghệ sĩ để Hội đồng xét duyệt lấy đó làm cơ sở bình xét sau này. Việc phong tặng danh hiệu không chỉ bó hẹp trong phạm vi các nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật Nhà nước mà còn rộng cửa cho cả các nghệ sĩ tự do. Đối với các trường hợp không có kê khai, nhưng xét thấy sự cống hiến của người nghệ sĩ đó là đáng kể đối với sự phát triển của nền VHNT nước nhà, thì các cấp cơ sở vẫn có thể xuất đặc cách lên các cấp xét duyệt cao hơn. Đối với việc khiếu nại, hiện tại Bộ VHTT&DL vẫn đang lắng nghe các ý kiến từ nhiều phía. Chúng tôi vẫn đang tích cực triển khai nhằm đảm bảo công bằng nhất.