Cơn ác mộng nhiễm độc thủy ngân ở Nhật 6 thập niên trước

ANTĐ - Mặc dù đã 60 năm trôi qua, nhưng nỗi đau về thể chất và tinh thần cũng như những ký ức của các nạn nhân và gia đình họ trong thảm họa môi trường nhiễm độc thủy ngân tại thành phố Minamata của Nhật Bản vẫn tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay, bất chấp việc bồi thường của công ty gây ra thảm kịch này.

Cơn ác mộng nhiễm độc thủy ngân ở Nhật 6 thập niên trước ảnh 1Một nạn nhân của căn bệnh thần kinh mang tên bệnh Minamata

Ký ức kinh hoàng

Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng bệnh Minamata rất khủng khiếp, có thể so sánh với thảm họa hạt nhân ở thành phố Hiroshima hay Nagasaki. Theo Wikipedia, căn bệnh này bắt đầu được biết đến lần đầu tiên vào năm 1956, khi một bé gái 5 tuổi sống ở Minamata phải nhập viện trong tình trạng không thể đi lại, nói năng, toàn thân co giật.

Hai ngày sau, em gái của em cũng gặp những triệu chứng tương tự và phải nhập viện. Đầu tháng 5-1956, bệnh viện đang điều trị cho 2 chị em này ra thông báo phát hiện bệnh dịch lạ gây tổn hại đến hệ thần kinh trung ương sau khi có thêm nhiều trẻ nhập viện. Ngay sau đó, chính quyền thành phố Minamata đã thành lập một ủy ban điều tra căn bệnh lạ này.

Trong quá trình điều tra, họ phát hiện những con mèo hoảng loạn, lên cơn co giật rồi chết, còn xác cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ. Đến năm 1959, một nhóm nhà khoa học công bố kết luận có sự liên quan giữa “bệnh lạ” ở Minamata với nước thải chứa thủy ngân từ nhà máy của Tập đoàn Chisso. Tuy nhiên, nghiên cứu đã bị tập đoàn này cùng chính quyền địa phương bác bỏ.

Chisso tiếp tục xả thải ra vùng biển quanh thành phố Minamata. Người dân địa phương vẫn tiếp tục đánh bắt và chế biến các món ăn từ những loại hải sản nhiễm độc đó. Năm 1965, một vụ nhiễm độc trên diện rộng cũng xảy ra ở tỉnh Nigata và thủ phạm tình nghi cũng là chất thải chứa thủy ngân của một công ty khai khoáng trên địa bàn. 

Mãi đến năm 1968, Bộ Y tế Nhật Bản mới tuyên bố kết luận nhiễm độc thủy ngân ở vịnh 

Minamata là do nhà máy của Tập đoàn Chisso xả thải. Ước tính, tổng cộng nhà máy hóa chất của tập đoàn này đã xả ra biển 400 tấn thủy ngân, trong đó, riêng giai đoạn từ năm 1956 đến 1968 là 150 tấn. Chisso sau đó cũng đã chi hàng chục tỷ yên để bồi thường. 

Không để thảm kịch lặp lại

Năm 1977, Chính phủ Nhật Bản thông qua các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn trong việc xác nhận nạn nhân của Minamata.Những người có các biểu hiện đặc trưng như rối loạn cảm giác ở chân tay, hạn chế tầm nhìn hay mất khả năng vận động mới được công nhận là bệnh nhân Minamata. Hiện chỉ có khoảng 3.000 người được chính thức công nhận, trong khi vẫn còn 33.450 người trong danh sách chờ do chưa đủ điều kiện được công nhận nhiễm bệnh. 

Bà Yoshiko Shiotani, một người đấu tranh vì quyền lợi nạn nhân trong thảm họa Minamata cho biết: “Bệnh Minamata lan rộng khi xã hội Nhật Bản tập trung phát triển kinh tế, không quan tâm đến bảo vệ môi trường. Tôi tin rằng việc xem xét những gì chúng ta đã trải qua ở Minamata sẽ có lợi cho các nước đang phát triển không để thảm kịch như vậy lặp lại”.

Trong khi đó, ông Yuta Jitsukawa, hiện đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận mang tên “Diễn đàn Minamata” có trụ sở tại Tokyo khẳng định: “Chúng ta cần truyền lại câu chuyện về Minamata cho thế hệ sau để đảm bảo rằng các bài học rút ra từ thảm họa này không bị lãng quên”.