“Cội mai già lặng lẽ nở hoa”

(ANTĐ) - Lâu nay nhiều đồng nghiệp hay bạn văn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh vẫn thường ví ông với hình ảnh của một cội mai già, mấy mươi năm ẩn mình, rồi một ngày đẹp trời, bất chợt bật lên những nụ hoa rực rỡ, đầy sắc hương…

52 năm “thai nghén”

Sức làm việc của Nguyễn Xuân Khánh được sánh ngang với “ông già Hà Nội” Tô Hoài. 87 tuổi, Tô Hoài còn làm xôn xao văn đàn bằng tiểu thuyết “Ba người khác”, thì ở tuổi 74, Nguyễn Xuân Khánh trình làng tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”. Cuốn sách viết về văn hóa làng, văn hóa đạo Mẫu - một đề tài xưa nay chưa từng có ai đủ vốn liếng khai thác và phát triển nó thành một cuốn sách dày tới hơn 800 trang. Khi đó giới yêu văn chương chào đón “Mẫu thượng ngàn” còn nồng nhiệt hơn cả tiểu thuyết Hồ Quý Ly (giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn 2003).

Trong một năm “Mẫu thượng ngàn” tái bản tới 3 lần, đó là chưa kể sách lậu. Tác giả đã chọn thời kỳ Pháp thuộc Bắc bộ trong thế kỷ XIX. Ông miêu tả khá kỹ cuộc đổ bộ của Pháp, cảnh đè đầu cưỡi cổ người nông dân của quan chức làng cùng sự phản kháng mạnh mẽ của nghĩa quân, bên cạnh đó là cuộc sống của người dân làng Cổ Đinh (nguyên mẫu là làng Cổ Nhuế ngoại thành Hà Nội, nơi ông sinh ra và lớn lên). Từng nhân vật hiện lên trong tác phẩm như một bức tranh sống động, đặc biệt là phái nữ. Và trong tình cảnh “một cổ hai tròng” đó người nông dân vẫn hướng về đạo Mẫu như một tình cảm hết sức tự nhiên, chân thành. Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết, “Mẫu thượng ngàn” còn là tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về đạo Mẫu, đặc biệt là văn hóa lên đồng của người Việt.  Nguyễn Xuân Khánh đã chứng tỏ được sự am tường về văn hóa Việt của mình.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
và tác phẩm mới nhất “ Đội gạo lên chùa”

5 năm là khoảng thời gian đủ để dư luận về “Mẫu thượng ngàn” lắng xuống,  ngày 20-6 vừa qua, Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục xuất hiện với cuốn tiểu thuyết thứ 3 “Đội gạo lên chùa”, vẫn dày 800 trang tròn trịa. Một cuốn sách đẹp về mọi lẽ, những nhân vật lừng lững, câu từ trau chuốt, đối thoại chan chát… Tách bạch ra, thì cuốn  sách như một chuyến du ký, và 2 nhân vật chính, hai chị em An và Nguyệt đóng vai trò như người dẫn chuyện, đưa người đọc tìm hiểu về văn hóa Việt và những nét tinh hoa của đạo Phật.  Để phôi thai “Đội gạo lên chùa” Nguyễn Xuân Khánh đã mất 52 năm. Khởi thủy của “Đội gạo lên chùa” là “Làng nghèo” ông viết năm 1959, nhưng khi đó, cuốn sách bị đánh giá là quá bi quan, không được xuất bản. Và rồi ông cứ mãi ôm cái dự định dở dang, ngang dọc gần hết cả đời người.

Kinh qua chiến trường lửa đạn, cả thời bình với cuộc mưu sinh khó nhọc. Ngay cả trong lúc khốn cùng nhất, ông vẫn chưa bao giờ từ bỏ mơ ước, tái hiện lại “Làng nghèo”. Gần hết cả đời người, gần như không còn nơi đâu trên dải đất này ông chưa đặt chân tới, kinh nghiệm, vốn sống, kiến thức tích lũy mấy chục năm đã giúp ông dựng lên một “Làng nghèo” khác. Làng vẫn nghèo, vẫn hoang tàn và chết chóc dưới gót chân xâm lăng, nhưng ngôi làng đã được “lạ hóa” đi, những cảnh đời, những số phận, và cả sự hận thù đều được nhìn qua lăng kính của một ngôi chùa, của đạo Phật, của sự từ bi hỷ xả. Và trong cái thời loạn lạc đó, ngôi chùa hiện lên như một pháo đài, không hề có phòng thủ, đứng giữa hai dòng thiện và ác. Song, cái thiện vẫn hiện lên đẹp đẽ. Chân lý thiện thắng ác không hề thay đổi. Lõi của “Đội gạo lên chùa” được dựng lên từ hai chữ “tùy duyên”

Mê đắm trong cõi  linh thiêng

Tiến sĩ Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, sau khi đọc xong “Đội gạo lên chùa” đã thắc mắc, không hiểu ở cái tuổi 79, Nguyễn Xuân Khánh lấy đâu ra sức lực mà viết, mà cắt nghĩa toàn những điều “khủng khiếp” về đạo Phật về quá trình du nhập vào Việt Nam và được Việt Nam hóa thế nào trong hai cuộc kháng chiến với tinh thần “đồng hành cùng dân tộc”. Còn nhà văn Hoàng Quốc Hải lại nhận định, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” thuộc dòng tiểu thuyết văn hóa phong tục. Người nghiên cứu về văn hóa phong tục thì nhiều, nhưng hiếm ai đưa được nó lên tầm tiểu thuyết, và để làm được, đòi hỏi một vốn sống sâu rộng…

Nghe đồng nghiệp nhận xét, Nguyễn Xuân Khánh chỉ cười. Nụ cười hiền lành với ánh mắt lấp lánh sau cặp kính dày, mái tóc bạc xõa trước trán. Khác với những gì tôi tưởng tượng khi chưa gặp ông, hóa ra tiểu thuyết gia nổi tiếng sắp tròn 80 tuổi kia lại vô cùng trẻ trung, hóm hỉnh khi kể về cuộc đời mình, một lần vô tình đến với văn chương rồi từ đó mà thành duyên nợ suốt đời. 7 tuổi, ông chứng kiến cái chết của người cha, mẹ ông ở vậy nuôi con đến cuối đời, dù ông biết, không phải bà không có những khát khao cho riêng mình. Tuổi thơ ông gắn với những cuốn sách và những buổi theo mẹ đi hầu đồng nơi cửa Phật. Những lần ngắm mẹ lên đồng cùng những bước nhảy mê đắm đến man dại trong cõi linh thiêng, ông lặng lẽ nhấm nháp nỗi cô liêu của mẹ.

Đó là những giây phút ông trưởng thành hơn và từng trải hơn. Chính nó đã đưa ông đến với cõi thiền, sự thăng bằng vững chãi, và cũng vì thế, ông đã vượt qua được cả những biến cố ghê gớm sau này. Ông là người cẩn thận, suy nghĩ rất lâu trước khi viết. Mỗi ngày chỉ viết được vài trang. Mất tròn 4 năm mới hoàn thành “Đội gạo lên chùa”. Hỏi ông rằng, ông đã hoàn thành tâm nguyện chưa, ông gật đầu mãn nguyện: “Xong rồi, giờ chết lúc nào cũng được”. Nhưng rồi ông bảo, sống đến giờ phút này, giờ chả còn ham hố gì nữa, nhưng nếu ông trời còn thương, còn cho ông sức khỏe thì ông vẫn cố viết thêm 1-2 cuốn nữa.