Coi chừng mất mạng vì tự ý điều trị bệnh

ANTĐ - Bộ Y tế cho biết, tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội, dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bước vào giai đoạn đỉnh dịch với 16 trường hợp tử vong được ghi nhận. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp tử vong là do đến viện muộn, trước đó đã tự điều trị tại nhà 2-3 ngày. 

Coi chừng mất mạng vì tự ý điều trị bệnh ảnh 1Cần chủ động đưa trẻ tới cơ sở y tế để được tư vấn điều trị đúng, kịp thời 
(Ảnh minh họa)


Tăng nguy cơ tử vong

TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, hiện nay dịch SXH đang gia tăng rất mạnh và diễn biến phức tạp tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Nguy cơ dịch bùng phát trong những tháng tới rất lớn. Điều đáng lo ngại là nhận thức của đa số người dân về SXH, cách nhận biết và điều trị bệnh này còn rất hạn chế, dẫn đến tình trạng điều trị sai, tự ý điều trị bệnh tại nhà diễn ra phổ biến. TS Trương Đình Bắc cảnh báo, đây là nguy cơ hàng đầu khiến bệnh nhân mắc SXH có tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. 

“Đa số ca mắc SXH có bệnh cảnh nhẹ nhưng nếu không xử lý đúng thì bệnh từ nhẹ chuyển qua nặng rất nhanh. Năm nay, tỷ lệ người lớn bị bệnh nặng, tử vong rất cao. Nhiều người nghĩ mình chỉ bị cảm sốt thông thường, nên trước khi tới viện đã tự điều trị tại nhà bằng các thuốc cảm sốt thông thường, chỉ nhập viện khi bệnh diễn biến nặng. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì với SXH chỉ được dùng paracetamol, nếu dùng các loại kháng sinh, hạ sốt khác có thể gây tan máu làm bệnh nặng hơn, tử vong nhanh hơn” - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích.

Tương tự, những trẻ bị SXH nặng, tử vong hầu hết đều nhập viện muộn, trước đó đã được cha mẹ tự ý điều trị tại nhà ít nhất 2-3 ngày. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cả 3 ca tử vong do SXH từ đầu mùa dịch đến nay đều nhập viện muộn khi bệnh nhi đã rơi vào tình trạng sốc, trong đó có 1 trường hợp do phòng khám tư chẩn đoán bệnh không đúng nên tự ý điều trị tại nhà 2 ngày bằng các thuốc chữa viêm đường hô hấp trên. 

Gây khó khăn cho chẩn đoán

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó trưởng Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 2, có thời điểm, 30% ca mắc SXH khi đến bệnh viện bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm. Điều này chủ yếu vì bệnh nhân đã tự ý điều trị kháng sinh trước đó khiến cho những biểu hiện đặc thù của bệnh không điển hình. Cùng chung hoàn cảnh này, bệnh nhi Đồng Quốc Việt, 9 tháng tuổi (Hải Hậu, Nam Định) khi được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai không có triệu chứng gì của bệnh viêm màng não mủ. Nguyên nhân do trước đó bệnh nhi đã điều trị nhiều ngày bằng kháng sinh khiến các triệu chứng điển hình của bệnh bị át đi. 

Ngoài SXH, một số bệnh khác cũng đang có số mắc tăng cao thời điểm này như viêm não, tay chân miệng, cúm mùa, sốt virus... Điểm chung của những bệnh này là ban đầu sốt cao, mệt mỏi, chán ăn nên việc phân biệt, nhận biết bệnh không đơn giản. “Một bộ phận không nhỏ người dân hiện nay cứ thấy sốt, ho thì mua kháng sinh, hạ sốt về sử dụng, thậm chí khi thấy con sốt cao còn lấy đơn thuốc cũ hoặc mượn đơn thuốc của một trẻ khác cũng có biểu hiện bệnh tương tự rồi mua thuốc về cho con uống, chỉ khi không thể chịu đựng được mới tới các cơ sở y tế.

Tình trạng sử dụng kháng sinh tự do, bừa bãi như vậy rất nhiều nguy hiểm, khiến việc chẩn đoán, điều trị bệnh của y bác sĩ khó khăn hơn do vi khuẩn đã kháng thuốc” – PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo. 

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Bạch Mai cũng lo ngại trước tình trạng lạm dụng kháng sinh tràn lan như hiện nay. TS Dương Đức Hùng khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần dừng ngay việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi thấy con có các biểu hiện cảm sốt, viêm đường hô hấp và cần chủ động đưa trẻ đi khám để được tư vấn điều trị đúng, kịp thời, nhất là trong bối cảnh rất nhiều bệnh dịch nguy hiểm đang vào mùa cao điểm như hiện nay.