"Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế..." có thể bị phạt tù tới 20 năm

ANTD.VN -Liên quan đến  tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được qui định trong BLHS, phóng viên Báo ANTĐ đã trao đổi với Luật sư và được biết:

Phạt tù tới 20 năm

Phân tích về các dấu hiệu cấu thành và hình phạt đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, theo Điều 165 BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một 100 triệu đồng-dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây thiệt hại từ 300 triệu đồng-dưới 1 tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 3-12 năm. Phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 10-20 năm.  Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Dự án Ethanol Phú Thọ đắp chiếu do hành vi vi phạm trong công tác quản lý kinh tế của một số cá nhân

Cố ý làm trái được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Yếu tố vụ lợi không phải là dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm mà chỉ là tình tiết tăng nặng định khung. Tội phạm không những xâm phạm sự hoạt động quản lý kinh tế đúng đắn của Nhà nước mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất cho xã hội. Do vậy, ngoài hình phạt tù, đối tượng thực hiện hành vi còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung, như: Tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Về khách thể của tội phạm, tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế. Mặt khách quan của tội phạm thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh. Hành vi cố ý làm trái có thể thể hiện dưới dạng hành động (thực hiện không đúng) hoặc không hành động (không thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế). Hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi gây hậu quả nghiêm trọng. Việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn là điều kiện, phương tiện để thực hiện tội phạm.

Tội phạm được coi là hoàn thành khi gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thiệt hại dưới 100 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng (thiệt hại về vật chất cụ thể hoặc hậu quả về chính trị, xã hội, như làm rối loạn thị trường, làm trì trệ sản xuất…).

Chủ thể tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức kinh tế, kinh doanh, dịch vụ…của Nhà nước. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Họ nhận thức được hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế là nguy hiểm cho xã hội, thấy được hậu quả sẽ xảy ra nhưng vì vụ lợi hay động cơ cá nhân khác nên đã mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Song động cơ vụ lợi hay động cơ cá nhân khác không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Từ 1-1-2018 không còn tội "Cố ý làm trái..."

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, từ 1-1-2018, Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã “biến mất” khỏi BLHS 2015, mà thay vào đó là 9 tội danh mới, bao gồm: Tội vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217), Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218), Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219), Tội vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Tội vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221), Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222), Tội thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223), Tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224) và Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).

Luật sư Lê Hồng Vân còn cho biết, Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành BLHS số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 nêu rõ, kể từ ngày 1-1-2018, tất cả các điều khoản của BLHS 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018.

Như vậy, với những hành vi phạm tội đã bị phát hiện, khởi tố trước thời điểm này, đối tượng thực hiện hành vi vẫn áp dụng quy định của BLHS 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Cụ thể là, mặc dù Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã “biến mất” khỏi BLHS 2015, song đối tượng đã bị điều tra, truy tố, xét xử về tội phạm này trước 0 giờ 00 phút ngày 1-1-2018 thì vẫn bị áp dụng theo BLHS 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.