Cô tôi

ANTĐ - Ngày xưa, ông bà nội tôi nghèo lắm. Ông tôi là bộ đội chuyển ngành, còn bà là giáo viên. Lương chỉ tạm đủ ăn. Nhà cửa chật chội, đồ đạc đơn sơ. 

Bà tôi kể: “Cô tôi chăm, thông minh, học giỏi. Không có điều kiện học thêm nhưng cô đỗ đại học với điểm số cao“. Cô tôi học giỏi và có tài nên ra trường được phân công công tác ngay. Cô làm việc ở cơ quan nước ngoài, lương cao. Cô chưa lập gia đình, mọi người khuyên cô nên dành dụm để có một cái vốn riêng nhưng cô chỉ cười. Có lần cô bảo tôi: “Cô thương ông bà lắm. Ngày xưa muốn ăn ngon thì không có điều kiện. Nay có tiền thì lại không ăn được. Ông bà già rồi, răng yếu, nuốt nhiều hơn nhai, còn biết ngon là gì”.

Cô còn trẻ nhưng sớm hiểu quy luật của đời người. Vì vậy, cô dùng tất cả số tiền kiếm được để sửa sang nhà cửa khang trang, đẹp đẽ. Cô thay toàn bộ đồ gỗ, sắm sửa đủ tiện nghi. Cô bảo: “Để tuổi già của ông bà được thư giãn, vui vẻ, thảnh thơi”. Cô không dành cái gì cho mình, trừ cái thú duy nhất là thích các thứ bằng pha lê. Cô bảo: “Rượu mà rót vào cốc pha lê sẽ tôn hương vị. Hoa mà cắm vào bình pha lê sẽ tôn hương sắc”.

Bây giờ, không cứ cô tôi mà tủ của ông, bà tôi cũng đầy quần áo. Có thứ còn mới, còn đẹp, nhưng không dùng nên gom lại giúp đồng bào lũ lụt hoặc gửi về quê. 

Cô hay tâm sự với tôi: “Con biết không, bây giờ kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao. Đời cô đã sướng, đời con còn sướng hơn”. Cô ngừng lại, nhìn tôi cười rồi nói: “Nhưng muốn thế, được thế thì phải học, phải có tài, không thể khác được, con ạ”.

Lớn lên tôi càng hiểu điều cô nói là đúng. Bởi vì: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ đem phần đến cho”.