Cố tình không tiêm vaccine Covid-19 khi được yêu cầu có vi phạm quy định?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gọi điện thoại đến đường dây nóng ANTĐ, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên tại một số địa phương cơ quan y tế sẽ yêu cầu người dân đi tiêm vaccine. Tuy vậy, vẫn có không ít cá nhân cố tình tìm mọi lý do để không đi tiêm. Vậy trong trường hợp này họ có bị xử phạt không?

Pháp luật hiện hành chưa có quy định bắt buộc toàn bộ người dân phải tiêm vaccine Covid-19. Song, nếu tại những khu vực dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ quan y tế có thẩm quyền yêu cầu người dân ở đó đi tiêm vaccine mà cá nhân nào cố tình, trốn tránh, trì hoãn việc tiêm chủng không có lý do chính đáng thì có thể bị xử lý hành chính theo quy định.

Theo điểm a khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức phạt tiền từ 1-3 triệu đồng được áp dụng với hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp cố tình không tiêm vaccine Covid-19 dẫn đến bị nhiễm bệnh rồi lây nhiễm cho người khác, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo Điều 240 BLHS 2015. Với tội danh này, người thực hiện hành vi sẽ phải đối diện với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1-5 năm.

Tiêm vaccine là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch Covid-19

Tiêm vaccine là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch Covid-19

Cũng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi: Không khám sàng lọc hoặc khám sàng lọc không đầy đủ cho đối tượng được tiêm chủng; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vaccine; Không thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn về an toàn tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng; Không dừng ngay buổi tiêm chủng khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng;

Ngoài ra, việc không thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo cho Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai biến; Tính vào giá dịch vụ tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch đối với các khoản chi phí đã được ngân sách Nhà nước bảo đảm; Bán vaccine sinh phẩm y tế thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng cũng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế tại cơ sở không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; Tiêm chủng khi chưa thực hiện việc công bố cơ sở đủ điều kiện tiêm chủng.

Đặc biệt, đối tượng có hành vi sử dụng vaccine không có giấy đăng ký lưu hành, vaccine đã hết hạn sử dụng, kém chất lượng sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ toàn bộ hoặc một phần hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 1-3 tháng; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đồng thời bị buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định hoặc buộc tiêu hủy vaccine...