Cố tình không hiểu

ANTĐ - Đến hẹn lại lên, về cuối năm, thực phẩm “bẩn” lại làm nóng thị trường và đau đầu cơ quan quản lý, người tiêu dùng lại một phen nghĩ ngợi.

Dăm bữa nửa tháng, cơ quan chức năng lại phát hiện một vài vụ việc liên quan đến thực phẩm “bẩn” trôi nổi trên thị trường, tuồn vào các nhà hàng, quán ăn để làm đồ đặc sản. Chân gà, cánh gà, nội tạng động vật, nầm lợn…, vụ nào phát hiện cũng với số lượng lớn, và nghiêm trọng hơn, đều trong tình trạng bốc mùi, thậm chí đang trong quá trình phân hủy. Tuy nhiên, quá trình ngăn chặn thực phẩm “bẩn” vào nội địa, bao năm qua vẫn mới chỉ “chém” phần ngọn, phần gốc vẫn để nguyên, để rồi, mỗi năm nó lại đâm chồi nảy lộc, như kiểu, tạo công ăn việc làm cho cơ quan chức năng.

Mỗi ngành, mỗi đơn vị đều có một lý do riêng để biện minh cho thực phẩm “bẩn” lọt lưới. Hải quan thì cho rằng, do chính sách biên mậu, do cư dân biên giới vận chuyển hàng thuê nên không kiểm soát được. Còn, đội ngũ thú y thì cho rằng, do thực phẩm “bẩn” vận chuyển lậu, không qua cửa khẩu nên không thể kiểm tra, kiểm soát chất lượng, cũng như vệ sinh thực phẩm. Còn, lực lượng Quản lý thị trường lại cho rằng, chỉ kiểm soát khâu lưu thông, nếu phát hiện thì phối hợp với các ngành tịch thu, giao cho cơ quan chức năng xử lý. Mỗi bên đều có cái lý riêng của mình, thành thử, hậu quả là người tiêu dùng hứng chịu. Nhưng, điều dư luận băn khoăn là tại sao, với nhiều cửa gác, đi qua nhiều địa phương như vậy, mà thực phẩm bẩn vẫn lọt lưới?

Thực phẩm “bẩn” để lại những hậu quả khôn lường cho sức khỏe, thậm chí, theo lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nó ảnh hưởng đến giống nòi sau này. Những chiếc chân gà, cánh gà nướng vàng ruộm, thơm phức ngoài quán, để đến tay người tiêu dùng, chúng phải lênh đênh hàng tháng trên biển. Rồi lại được xử lý bằng tẩy rửa, tẩm ướp. Hay như, nội tạng động vật, nhiều lô hàng bị bắt khi đã phân hủy, nhưng khi đến tay người dùng, đã được xử lý, lại trở thành thực phẩm tươi, ngon như bình thường. Ai cũng biết tác hại của các loại thực phẩm “bẩn” này nhưng lại cố tình không hiểu hoặc làm ngơ trước các con đường mà thực phẩm “bẩn” đi vào trong nước. Ai cũng biết nó đi bằng cách nào, chỉ cơ quan chức năng, những người gác cổng vẫn cố tình không biết.