Cố tình khai gian dối, nhân chứng có thể bị phạt tới 7 năm tù

ANTĐ - Đó là nhìn nhận của luật sư Chu Mạnh Cường – Trưởng VPLS Danh Chính (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khi trao đổi với phóng viên ANTĐ, ngay sau phiên tòa sơ thẩm xử Lý Nguyễn Chung sáng 23-7-2015.

Cụ thể, luật sư Chu Mạnh Cường nói: Rút kinh nghiệm từ vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, các cơ quan tiến hành tố tụng đã rất thận trọng trong quá trình thu thập, xem xét và đánh giá chứng cứ.

Nhằm giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và công bằng, cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ căn cứ vào lời khai nhận tội của bị cáo Lý Nguyễn Chung, mà còn xem xét, đánh giá tất cả các chứng cứ khác có liên quan, như lời khai nhân chứng, người liên quan, kết quả giám định, dấu vết tại hiện trường...

Tại phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung, lời khai của nhân chứng mới - bà Nguyễn Thị Thu Hà khiến không ít người phải sửng sốt

Đặc biệt, việc đưa bà Nguyễn Thị Thu Hà tham gia phiên tòa với tư cách nhân chứng càng thể hiện sự thận trọng trong việc làm rõ sự thật vụ án. Việc bà Hà có những lời khai, chứng cứ, quan điểm khác với những chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, khác với quan điểm truy tố của VKS cần phải làm rõ và thực tế là đã được làm sáng tỏ ngay tại phiên xử.

Đối với mức án 12 năm tù cho cả 2 tội danh mà tòa án tuyên phạt đối với bị cáo là phù hợp. Bởi tuy bị cáo phạm cùng lúc 2 tội đặc nghiêm trọng là “Giết người” và tội “Cướp tài sản”, song ở thời điểm gây án, Chung mới chỉ hơn 14 tuổi nên theo quy định của pháp luật, hình phạt cao nhất đối với người chưa đủ 16 tuổi sẽ không được vượt quá 12 năm tù.

- Tham gia phiên tòa với tư cách nhân chứng, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã có nhiều lời khai gây “sốc”, luật sư nhìn nhận thế nào về các lời khai của nhân chứng mới trong vụ án?

Luật sư Chu Mạnh Cường: Theo quy định của pháp luật thì bất cứ người nào biết được các tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến tòa để làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ khai báo trung thực tất cả những gì mà mình biết về vụ án. Với tư cách là nhân chứng, bà Hà có quyền khai báo tất cả những tình tiết mà bà này biết về vụ án.

Ở góc độ khác, pháp luật cũng quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Quá trình giải quyết vụ án Lý Nguyễn Chung, lời khai của bà Hà chỉ là một trong những chứng cứ của vụ án. Và do những lời khai của bà Hà không có cơ sở, không phù hợp với các chứng cứ khác, nên không được HĐXX chấp nhận.

- Kết thúc phiên tòa, HĐXX đã khẳng định lời khai của nhân chứng mới không có căn cứ, chỉ mang tính suy diễn và trước đó Kiểm sát viên cũng có quan điểm tương tự. Theo luật sư, việc bà Hà ra tòa khai báo như vậy có phải chịu trách nhiệm gì không?

Luật sư Chu Mạnh Cường: Làm chứng vừa là quyền nhưng cũng đồng thời là nghĩa vụ của mọi công dân. Người làm chứng phải có nghĩa vụ khai báo trung thực tất cả những gì mà người làm chứng biết về vụ án.

Về nguyên tắc, ngay cả trong trường hợp những lời khai, chứng cứ của người làm chứng cung cấp không được các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận, nhưng nếu không chứng minh được họ cố tình khai báo gian dối, cung cấp chứng cứ sai sự thật thì người làm chứng cũng không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Ngược lại, nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng người làm chứng vì động cơ nào đó đã cố tình khai báo gian dối, cung cấp chứng cứ mà họ biết rõ là sai sự thật thì hành vi của người làm chứng đã vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cơ quan chức năng có thể quyết định xử lý hành chính hoặc hình sự.

Điều 307 của Bộ luật Hình sự quy định về tội “Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật”. Cụ thể là “Người làm chứng khai báo gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm hình sự”. Mức hình phạt cao nhất quy định cho tội danh này là bảy năm tù giam.

- Nếu xem xét trách nhiệm khai báo của nhân chứng thì cơ quan nào phải thực hiện và trình tự, thủ tục ra sao – thưa luật sư? 

Luật sư Chu Mạnh Cường: Trường hợp có dấu hiệu, căn cứ cho rằng nhân chứng đã cố tình khai báo gian dối, cung cấp tài liệu mà họ biết rõ là sai sự thật, thì người bị xâm hại từ hành vi khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật đó có quyền yêu cầu cơ quan chức năng (Tòa án, VKS hoặc CQĐT) điều tra, xác minh, làm rõ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Trên cơ sở người bị xâm hại lợi ích từ những lời nhân chứng khai báo gian dối và yêu cầu của họ, các cơ quan chức năng sẽ điều tra, xác minh. Sau khi điều tra, xác minh nếu có đủ căn cứ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và động cơ, mục đích cũng như hậu quả đối với xã hội để có quyết định hình thức xử lý phù hợp.