Doanh nghiệp Trung Quốc tận thu nông sản:

Cố tình hay có nhu cầu thực?

(ANTĐ) - Tình trạng các thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nông, lâm, thủy sản nước ta diễn ra suốt thời gian qua, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần nhận định, điều này đã gây khó khăn cho Việt Nam. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
 

Cần cảnh giác với việc tận thu nông sản của thương lái Trung Quốc (Ảnh minh họa)

- Thời gian qua thương lái Trung Quốc ồ ạt thu gom nông sản Việt Nam với giá chênh từ 2.000-3.000 đồng/kg, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?

- Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: Vấn đề này Bộ NN&PTNT đã biết và nắm khá cụ thể. Hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc sang thu mua gần như tất cả các loại nông sản, thuỷ sản của nước ta, điều này đang gây khó khăn rất lớn cho chúng ta. Nếu trước đây, thường chỉ thu mua nông sản theo kiểu đặt hàng ở các biên giới, cửa khẩu, nay cứ thiếu nông sản gì, họ cho người vào tận xã, các vựa nuôi trồng để thu mua nên đã gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán. Hơn nữa, họ lại thu mua chênh hơn từ 2.000-3.000 đồng/kg, phá vỡ thị trường trong nước. Thậm chí, cả sản phẩm không đạt chất lượng, chúng ta loại bỏ họ vẫn thu mua. Điều này “hơi” bất thường.

- Theo ông, tại sao thương lái lại ồ ạt thu mua nông sản, không kể chất lượng như vậy?

 

- Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: Có hai khả năng. Thứ nhất, có thể đây là thời điểm mà phía Trung Quốc đang khó khăn về nguồn cung sản phẩm, hiện họ đang thiếu rất nhiều thứ, kể cả gạo, thịt và nhiều sản phẩm khác. Mỗi khi thiếu như vậy sẽ có tác động rất lớn vì thị trường của họ tới hơn 1,3 tỷ dân, sức tiêu thụ rất lớn.

Khả năng thứ 2, nếu Trung Quốc cố tình làm như thế, họ sẽ gây khó khăn đối với nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo các sản phẩm thực phẩm cung cấp cho tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu đảm bảo sạch. Như vậy, vô hình trung giúp cho các sản phẩm như thịt, thủy sản không đạt chất lượng, thậm chí bẩn vẫn tiêu thụ được và tiêu thụ với giá cao hơn. Như thế, về mặt chủ trương chúng ta sẽ gặp khó khăn.

- Vậy, Bộ NN&PTNT có đề xuất gì để ngăn chặn việc này?

- Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần: Thực ra, đây là lĩnh vực thương mại thuộc Bộ Công Thương quản lý, nhưng chúng tôi cũng đã có báo cáo với Chính phủ, đồng thời trao đổi với Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành khác rất nhiều lần. Hiện cả Chính phủ và các bộ đều đang nghiên cứu rất kỹ và sẽ sớm đề ra các giải pháp để giải quyết. Đây là vấn đề rất tế nhị. Điều quan trọng, chúng ta phải có biện pháp thích hợp để bảo vệ sản xuất trong nước, đặc biệt là bảo vệ uy tín chất lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam. Sắp tới, các bộ sẽ ngồi lại họp với nhau để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.