"Cố thủ" mãi sao được

ANTĐ - Giá xăng dầu giảm liên tục, riêng giá cước vận tải vẫn không hề nhúc nhích như đứng ngoài cơ chế thị trường, phớt lờ quyền lợi của người tiêu dùng. Đây không phải lần đầu tiên diễn ra nghịch cảnh này và cái vòng luẩn quẩn vô lý này dường như chưa có hồi kết. 

Với trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị thúc doanh nghiệp vận tải giảm giá cước.Tới lượt mình, Bộ GTVT cũng ra văn bản yêu cầu Sở GTVT các địa phương tăng cường kiểm soát giá cước vận tải, điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu. Thế nhưng, tới nay, giá cước vận chuyển hàng hóa, hành khách vẫn “án binh bất động”. So với ngày 1-7-2015, giá xăng hiện nay đã giảm 20,8%, giúp giá thành xe chạy xăng giảm từ 5,2 - 7,3%.

Đây là cơ sở để Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo ngay Sở GTVT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tăng cường quản lý giá cước vận tải, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vận tải vẫn... nghe ngóng. Các chủ hàng “tố” nhà xe tìm mọi cách để trì hoãn giảm giá, chủ phương tiện vận tải thì cho rằng, mức giảm như hiện nay là hợp lý vì xăng dầu chiếm dưới 50% giá thành vận tải. Họ còn lập luận rằng, giá xăng dầu liên tục điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày, tăng giảm không ổn định, mỗi lần tăng giảm nhỏ giọt vài trăm đồng, nên phải thận trọng khi thay đổi giá cước. Bởi mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp cần thời gian để tính toán, tốn nhiều chi phí cài đặt đồng hồ... Chưa kể, những khoản phí cầu đường cũng tăng khiến giá thành vận tải bị đội lên.

Thế nhưng, có nghịch lý là khi giá xăng dầu tăng, các doanh nghiệp vận tải đều đồng loạt xin tăng giá cước mà không hề nói tới chuyện tốn kém chi phí. Cần phải nhắc lại rằng, theo quy định tại Luật giá, việc điều chỉnh giá cước theo biến động giá xăng dầu là nghĩa vụ phải làm của doanh nghiệp vận tải. Nếu không điều chỉnh giá là làm sai quy định, hoàn toàn có thể xử phạt, thậm chí có thể buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do định giá bất hợp lý. Thế nhưng, thực tế, cơ quan chức năng chưa đủ khả năng để làm được điều này. 

Không thể để tái diễn “điệp khúc” chây ì giá cước vận tải, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định, giá xăng dầu giảm sâu mà giá cước vận tải vẫn không nhúc nhích là điều không thể chấp nhận được. Nếu doanh nghiệp vẫn chây ì không chịu giảm giá cước, cơ quan quản lý vận tải không chỉ xử phạt hành chính mà còn rút giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp. Người tiêu dùng hy vọng, biện pháp mạnh tay này sẽ giúp chấm dứt tình trạng chây ì, coi rẻ quyền lợi của người tiêu dùng, gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế, nhất là vào dịp năm hết, tết đến.