Có thiện chí nhưng vũ khí Nhật khó chen vào đông nam Á

ANTĐ - Vừa qua, Nhật đã thông qua “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” mới, nới lỏng các chế tài, mở ra cánh cửa lớn cho ngành xuất khẩu vũ khí của nước này. Tuy nhiên, các nước đông nam Á sẽ được lợi không nhiều. 

Là nước có nền khoa học kỹ thuật đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, cho nên trang bị vũ khí của Nhật Bản từ xưa đến nay đều nổi tiếng về công nghệ tiên tiến, chế tạo tinh vi. Hơn nữa, Nhật Bản đã chú trọng phát triển toàn diện các trang bị cho cả ba quân chủng hải, lục và không quân.

Vừa qua, Nhật đã thông qua “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” mới, nới lỏng các chế tài, mở ra cánh cửa lớn cho ngành xuất khẩu vũ khí của nước này,đồng thời phát tín hiệu cho những đối tác quen thuộc và những nước cùng chung đối thủ là Trung Quốc, trong đó có các nước Asean. Vậy những loại vũ khí nào các nước đông nam Á có thể mua được?

Về trang bị hải quân, “Đất nước mặt trời mọc” một thời là cường quốc đứng nhất nhì thế giới trong lĩnh vực đóng tàu. Tuy hiện nay, tàu khu trục tên lửa hạng nặng của Nhật đều do Mỹ cung cấp động cơ và hệ thống phòng vệ Aegis, hơn nữa, giá thành của chúng rất đắt (khoảng 1,5 tỷ USD/chiếc) nên các nước đông nam Á khó có thể với tới được.

Ngoài ra, tàu khu trục trực thăng (hay còn gọi tàu sân bay trực thăng) lớp 16DDH, 22DDH, tàu đổ bộ lớp Osumi cũng rất nổi tiếng trên thị trường thế giới. Trong số này nổi bật nhất là tàu sân bay trực thăng lớp 22DDH, có thể biến tướng thành các tàu đổ bộ tấn công máy bay chiến đấu F-35B theo mô hình của Mỹ, có khả năng tác chiến cực mạnh.

Có thiện chí nhưng vũ khí Nhật khó chen vào đông nam Á ảnh 1

Các trang bị vũ khí của Nhật đều được xếp vào top đầu của thế giới

Tuy nhiên trong số này, các nước đông nam Á chỉ có khả năng “mơ” tới tàu đổ bộ xe tăng và các phương tiện đổ quân cỡ nhỏ thuộc lớp Osumi (khoảng trên 200 triệu USD/chiếc). Còn với các tàu đổ bộ trực thăng, các nước Asean sẽ gặp khó ngay từ việc trang bị cho đủ số máy bay chứ đừng nói là mua sắm, vận hành và bảo đảm hoạt động cho các tàu đổ bộ “khủng” này.

Đặc biệt, tàu ngầm thông thường của của Nhật Bản có sức cạnh tranh rất lớn trên thị trường thế giới, là mặt hàng các nước đông nam Á có đủ khả năng mua sắm. Bất luận là về thiết kế kiểu dáng, trang bị động cơ AIP hay hệ thống điện tử, trang bị vũ khí, tàu ngầm AIP lớp Soryu của Nhật đều không thua kém gì các tàu ngầm tiên tiến nhất hiện nay của Đức.

Soryu được chế tạo trên cơ sở tàu ngầm lớp “Oyashio”, sử dụng công nghệ động lực không cần không khí (AIP), hay còn gọi là động cơ tuần hoàn khép kín, giúp cho tàu có khả năng tác chiến ngầm rất lâu mà không cần nổi lên lấy dưỡng khí. Hiện công nghệ AIP chỉ có một số nước có trình độ cao như Nhật, Đức, Nga, Thụy Điển… là làm chủ được.

Tuy hiện nay giá của Soryu không hề rẻ (khoảng 700 triệu USD, đắt gấp rưỡi so với tàu ngầm AIP cùng thế hệ là Scorpène của Pháp với giá 450 triệu USD, đắt gần gấp đôi tàu ngầm Kilo của Nga), nhưng hy vọng với sự quan tâm của hàng loạt quốc gia, sau khi được sản xuất hàng loạt để xuất khẩu thì giá thành của Soryu sẽ hạ xuống mức chấp nhận được.

Có thiện chí nhưng vũ khí Nhật khó chen vào đông nam Á ảnh 2

Tàu ngầm AIP lớp Soryu được các chuyên gia quân sự đánh giá là cực kỳ tiên tiến

Về trang bị lục quân, ngành công nghiệp ô tô hùng hậu của Nhật Bản đã đặt nền móng vững chắc trong việc nghiên cứu chế tạo xe tăng, thiết giáp tiên tiến. Loại pháo đột kích kiểu bánh lốp thế hệ mới Type 13 của Nhật là sản phẩm hiện đại nhất hiện nay, ngang tầm với các phương tiện tác chiến cùng loại của Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, giá của chúng cũng rất “chát”

Xe tăng chủ lực Type 90 được đánh giá thuộc dạng tiên tiến nhất, kể từ cuối thế kỷ trước cho đến đầu thế kỷ này, còn hiện nay Type 10 mới là loại tăng chủ lực tốt nhất của Nhật. Hàm lượng công nghệ của Type 10 đã đạt đến trình độ tiên tiến nhất, sánh ngang với các loại xe tăng hàng đầu thế giới hiện nay như “Leopard-2A6” của Đức, Merkava Mk-4 của Israel, Abram của Mỹ…

Tuy nhiên, giá thành của xe tăng Nhật cũng thuộc dạng đắt nhất trên thế giới. Ví dụ xe tăng chủ lực Type 90, sản xuất vào những năm 90 của thế kỷ trước có giá lên tới gần 8 triệu USD, cao hơn xe tăng chủ lực Abram của Mỹ tới gần 2 triệu USD, còn tăng Type 10 thì “vượt khung” lên tới 11,3 triệu, đắt gần gấp 3 lần xe tăng T-90A của Nga.

Về trang bị không quân, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, máy bay chiến đấu của Nhật Bản chủ yếu do Mỹ thiết kế, còn những sản phẩm mà Nhật tự chế tạo thì tương đối mờ nhạt. Nhưng Nhật cũng có thành tựu lớn ở một số lĩnh vực trang bị hỗ trợ tác chiến, chúng cũng được đánh giá là thuộc dạng top đầu của thế giới.

Có thiện chí nhưng vũ khí Nhật khó chen vào đông nam Á ảnh 3

Máy bay chiến đấu F-2 mang tên lửa không đối hạm ASM-3

Ví dụ, thủy phi cơ US-2 có tính năng không hề thua kém, có mặt còn vượt trội so với những sản phẩm cùng loại như CL-415 của Canada và Be-200 của Nga. Đặc biệt, US-2 là loại thủy phi cơ cỡ lớn đầu tiên trên thế giới sử dụng cabin chịu lực bằng thủy tinh gia cường giúp máy bay có thể chịu được áp suất lớn với trần bay cao và chống chịu sóng gió rất tốt.

Loại máy bay tuần tiễu chống ngầm hiện đại nhất của Nhật là P-1 được xếp ngang hàng máy bay cùng loại thế hệ mới nhất của Mỹ là P-8A Poseidon và Il-38N hoặc phiên bản đang nâng cấp mạnh nhất của Tu-142 của Nga, vượt trội so với loại GX-6 hiện đang thử nghiệm của Trung Quốc hoặc phiên bản thế hệ cũ của Mỹ là P-3C Orion.

P-1 có tầm bay xa tới 8000km, bán kính tác chiến 3500km, trần bay 13,5km giúp nó vượt qua tầm phóng của các tên lửa phòng không trên tàu ngầm. P-1 được trang bị các radar và sonar tiên tiến nhất. Với tối đa  9 tấn vũ khí các loại, nó có đầy đủ các chức năng tấn công mặt đất, tiêu diệt tàu ngầm và cả tàu mặt nước, nâng cao khả năng sinh tồn trong điều kiện tác chiến xa bờ.

Hiện nay, giá thành của US-2 và P-1 cũng rất đắt. 1 chiếc P-1 có giá 210 triệu USD, ngang ngửa với loại máy bay tuần tiễu chống ngầm P-8I Mỹ bán cho Ấn Độ với giá 220 triệu USD. Còn thủy phi cơ US-2 có giá bán khoảng 12 tỷ Yên, tương đương 116 triệu USD/chiếc, đắt gấp 3 lần thủy phi cơ Be-200 của Nga (khoảng 43 triệu USD/chiếc), đắt gấp 20 lần thủy phi cơ DHC-6 Twin Otter hiện Việt Nam đang sở hữu.

Có thiện chí nhưng vũ khí Nhật khó chen vào đông nam Á ảnh 4

Xe tăng Type 10 của Nhật được đánh giá rất cao

Nhật cũng sản xuất tiêm kích hạng nhẹ F-2 (phiên bản của tiêm kích F-16 Mỹ), có tính năng rất mạnh, được trang bị loại tên lửa không đối hạm tiên tiến ASM-3, có tầm phóng tới 250km. Tuy nhiên, F-2 còn đắt hơn so với F-16 tới hơn 30 triệu USD (giá vào khoảng 120 triệu USD). Ngoài ra, Nhật cũng sẽ sản xuất F-35 nội địa với mức giá không dưới 150 triệu USD.

Về tên lửa không đối hạm, không đối không, đất đối không, tên lửa bờ đối hạm thì các sản phẩm của Nhật cũng có tính năng kỹ chiến thuật và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế không thua kém so với sản phẩm của Âu-Mỹ. Nếu được xuất khẩu hàng loạt với giá rẻ hơn, các loại tên lửa Nhật Bản sẽ trở thành một món hàng được ưa chuộng trên thị trường vũ khí thế giới.

Điển hình là Tổ hợp tên lửa bờ đối hạm kiểu cơ động SSM-1 Type 88, thuộc thế hệ tên lửa bờ đối hạm thứ 3 của quân đội Nhật Bản, tầm bắn đến 200 km, có khả năng tấn công đối đất, chống hạm. Type 88 có khả năng vòng tránh cả chướng ngại vật và radar, có khả năng khóa và tấn công đồng loạt nhiều mục tiêu phân tập ở vị trí khác nhau, đặc biệt là các mục tiêu trên các đảo có địa hình phức tạp.

Ngoài ra, Nhật còn có hệ thống tên lửa bờ đối hạm thế hệ mới Type 12, được phát triển trên cơ sở khung gầm của loại tên lửa đất đối không Type 03, có tính năng cao hơn rất nhiều so với Type 88. Tên lửa phòng không tầm trung Type 03 có khả năng đánh chặn các mục tiêu bay và tên lửa hành trình với hiệu suất rất cao, được đánh giá có phần nhỉnh hơn cả hệ thống Patriot của Mỹ.

Có thiện chí nhưng vũ khí Nhật khó chen vào đông nam Á ảnh 5

Thủy phi cơ US-2 được xếp vào loại hàng đầu thế giới

Còn tên lửa không đối hạm ASM-3 của Nhật được đánh giá rất cao do sử dụng động cơ phản lực tĩnh siêu âm (động cơ phản lực thẳng) Ramjet, tốc độ siêu âm trên Mach2, tầm phóng xa 250km, tính năng tấn công mạnh và hệ thống dẫn đường tiên tiến.

Nó được mệnh danh là “kẻ hủy diệt lá chắn thần Trung Hoa” vì chuyên dụng để tiêu diệt các chiến hạm trang bị hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa như hệ thống Aegis của Mỹ hoặc các khu trục phòng không Type 052C/052D của Trung Quốc, hủy diệt khả năng phòng không của hạm đội của đối phương.

ASM-3 sử dụng đầu đạn thông minh, có thể nhận số liệu trước khi phóng, nhận thông tin từ vệ tinh trên đường bay hoặc sử dụng radar chủ/bị động của nó để đo đạc và lựa chọn mục tiêu. Đặc biệt nhất là, khi cảm nhận được sóng radar của đối phương, ASM-3 có khả năng tự động ngắt đường truyền thông tin, chuyển về chế độ dẫn đường radar thụ động nên kẻ địch rất khó đánh chặn.

Tuy nhiên, giá các loại tên lửa Nhật cũng không rẻ chút nào. Ví dụ tên lửa không đối hạm ASM-3 có giá 1,15 triệu USD/quả, còn tên lửa bờ đối hạm thuộc hệ thống SSM-1 Type 88 có giá tới hơn 3 triệu USD/quả, còn 1 quả tên lửa không đối không Type 99 AAM-4 là 1,2 triệu USD.

Có thiện chí nhưng vũ khí Nhật khó chen vào đông nam Á ảnh 6

Các nước Asean chỉ có khả năng trông chờ vào các tàu tuần tiễu của Nhật

Ngoài ra, việc mua sắm các loại tên lửa Nhật đối với Asean cũng không hề đơn giản vì với các loại tên lửa riêng biệt của mình, muốn mua tên lửa Nhật dĩ nhiên phải xài cả hệ thống phóng hoặc phương tiện mang. Điều này là rất lãng phí đối với các quốc gia đang sử dụng các hệ thống vũ khí khác loại, ví dụ như Việt Nam.

Về mặt tích hợp, có thể khẳng định là Nhật Bản thừa khả năng kết hợp trang bị của mình với các nước khác nhưng với giá cả rất đắt như vậy, các nước đông nam Á với ngân sách quốc phòng ít ỏi, rất khó có thể mua được, mặc dù Tokyo đang mở rộng hợp tác với các nước thuộc khối Asean, nhằm hợp lực đối phó với Trung Quốc.

Hiện nay, các nước Asean sẽ chủ yếu trông chờ vào khoản viện trợ không hoàn lại hoặc bán với giá rẻ các tàu tuần tiễu cỡ nhỏ của Nhật Bản, bởi vì ngay cả Tokyo cũng đang phải tăng cường lực lượng đối phó với lực lượng tàu chấp pháp khổng lồ của Trung Quốc nên họ cũng chỉ có khả năng cung cấp cho các nước Asean loại tàu tuần tiễu có lượng giãn nước dưới 500 tấn.

Tóm lại, dù Nhật rất có thiện chí và mong muốn bắt tay với các nước Asean nhằm kiềm chế Trung Quốc, nhưng với ngân sách quốc phòng hạn hẹp, các nước Asean cũng sẽ được lợi không nhiều. Hướng đi phù hợp nhất cho các nước đông nam Á là triển khai hợp tác với Nhật trong lĩnh vực đào tạo nhân viên các ngành quân sự và kỹ thuật quân sự.