Có thể xuất khẩu 80.000 tấn gạo mỗi năm sang EU với thuế suất 0%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Liên minh châu Âu (EU) cam kết dành hạn ngạch thuế quan 80.000 tấn gạo Việt Nam mỗi năm nếu đáp ứng được yêu cầu.

EU dành ưu đãi cho gạo xuất khẩu của Việt Nam

Bộ Công Thương cho biết, theo chương 2, phụ lục 2-A, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) , EU cam kết dành hạn ngạch thuế quan (HNTQ) cho Việt Nam đối với gạo với lượng hạn ngạch là 80.000 tấn/năm, trong đó gạo thơm đã xay xát với lượng hạn ngạch là 30.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, các lô hàng gạo thơm khi xuất khẩu vào thị trường EU để được hưởng thuế suất 0% theo hạn ngạch, phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại (authenticity certificate) được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nêu rõ gạo thuộc một trong các chủng loại gạo được quy định rõ trong Hiệp định.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng ưu đãi này, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với EU trong quá trình xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý hạn ngạch thuế quan của EU cho các loại gạo này.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương để xây dựng Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký giấy chứng nhận chủng loại gạo, với chủ trương xây dựng cơ chế linh hoạt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có thể tận dụng được ngay các ưu đãi mà EU dành cho Việt Nam trong khuôn khổ EVFTA.

Theo ông Trần Thanh Hải- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo sang EU-27 (trừ Anh) năm 2019 đạt 10,9 triệu USD, tăng 92,4% so với năm 2018. Về dung lượng thị trường, xu thế sử dụng gạo ở EU đang tăng lên đáng kể do sự phổ biến của thức ăn châu Á tại đây. Theo thống kê, mỗi năm EU tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo.

Thuế suất EU áp lên gạo Việt Nam là 175 euro/tấn với gạo xay xát (khoảng 4,67 triệu đồng/tấn), 65 euro/tấn với gạo tấm và 211 euro/tấn với thóc nên  ưu đãi 0% là rất lợi thế với doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, không dễ để tận dụng ưu đãi này vì gạo xuất khẩu sang EU cần quy trình canh tác riêng, một số giống lúa nhất định.

Bộ Công Thương cũng cho biết, đối với Thông tư quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA, Bộ đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15 tháng 6 năm 2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Thông tư số 11/2020/TT-BCT bao gồm 5 Chương, 42 Điều và 8 Phụ lục ban hành kèm theo.

Đây là văn bản pháp lý quan trọng hướng dẫn các cơ quan, tổ chức cấp C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) ưu đãi cũng như cộng đồng trong việc thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa tại EVFTA.

Việc sớm ban hành Thông tư hướng dẫn quy tắc xuất xứ trong EVFTA là một trong những hành động cụ thể về xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý trong nước nằm trong kế hoạch hành động triển khai hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương.