Có thể theo nguyên lý "hái những quả thấp nhất"

ANTD.VN - Rất nhiều cuộc hội thảo về bảo hiểm xã hội (BHXH) đều chỉ ra một thực tế không mấy tươi sáng về Quỹ BHXH khi những khiếm khuyết trong chính sách BHXH đang gây tình trạng mất cân đối nghiêm trọng đối với quỹ này. 

Vậy làm thế nào để cân đối Quỹ BHXH nhưng đồng thời phải đảm bảo an sinh xã hội là bài toán rất cần tìm lời giải. Song, vấn đề đặt ra là cải cách chính sách BHXH như thế nào, bởi nếu theo hướng cắt giảm quyền lợi của người lao động là việc làm rất khó, vấp phải sự phản ứng của xã hội.

Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (BHYT) là 2 trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chính sách BHXH đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, diện bao phủ BHXH còn thấp, tốc độ tăng chậm, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối Quỹ BHXH. Ngoài ra, các chế độ BHXH chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn; hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH chưa thực sự thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động. 

Trước những bất cập này, giới chuyên gia quốc tế và trong nước đều cho rằng, một liều thuốc đơn lẻ sẽ không giải được “căn bệnh” này mà cần phải có một cuộc “đại phẫu” với nhiều liệu pháp. Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng, thách thức lớn nhất là làm thế nào để mở rộng độ bao phủ BHXH.

Phải có sự đột phá về cách làm để mở rộng bao phủ an sinh xã hội, tới người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có hợp đồng ngắn hạn và khu vực kinh tế phi chính thức. Nếu cải cách không được thực hiện ngay từ bây giờ thì sẽ khó bảo vệ người lao động khỏi những cải cách khắc nghiệt sau này. 

Rõ ràng, việc cải cách hệ thống BHXH là rất cấp bách và có nhiều thách thức. Bộ LĐTB-XH đang xây dựng Đề án về cải cách chính sách BHXH, tham vấn, ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu. Theo đó, tầm nhìn cải cách BHXH phải là 30-40 năm với độ trễ chính sách dài nhưng phải hành động sớm.

Càng cải cách sớm thì càng có dư địa, chính sách BHXH phải song hành và đặt ngang tầm với chính sách kinh tế - xã hội. Đầu tư cho BHXH là đầu tư cho con người, phát triển bền vững chứ không phải phát triển thuần túy. Muốn mở rộng diện bao phủ BHXH thì cần phải minh bạch hóa nền kinh tế phi chính thức để tạo ra các quan hệ lao động, quan hệ “đóng - hưởng” BHXH cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Để mở rộng diện bao phủ BHXH, có thể bắt đầu theo nguyên lý “hái những quả thấp nhất” tức là tăng tỷ lệ tham gia BHXH trong khu vực chính thức từ 11 triệu người lên 17,8 triệu người. Tiếp đó là tăng tỷ lệ lao động tự do tham gia BHXH, đồng thời chuyển toàn bộ hệ thống sang quản lý tập trung bằng công nghệ thông tin.