Có thể bị truy tố nếu tung tin thất thiệt

ANTĐ - Thời gian gần đây, tình trạng tung tin giật gân trên mạng xã hội với mục đích thu hút sự quan tâm, chú ý của mọi người diễn ra khá phổ biến. Mặc dù hậu quả của việc làm này khá nghiêm trọng song hầu hết đối tượng đăng tin lại chỉ quan tâm đến việc…“câu like”!

Càng giật gân càng tốt?!

Theo các cơ quan chức năng, tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola song mấy ngày qua trên mạng xã hội Facebook  lan truyền thông tin dịch Ebola đã xuất hiện tại Hà Nội khiến không ít người tỏ ra lo lắng. Trước tình trạng trên, ngày 13 và 14-8, cơ quan điều tra đã làm rõ 4 đối tượng lan truyền thông tin trên lên mạng internet. Khi bị triệu tập, các đối tương này đều khai mình làm vậy là chỉ muốn cảnh báo mọi người cảnh giác hơn với dịch bệnh.

Trước đó, trên một số trang mạng đã đăng thông tin từ facebook của một thiếu nữ về việc nhiều nữ sinh bị lừa đảo, cướp giật ở khu vực hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa). Để tăng thêm tính hấp dẫn, nữ sinh này còn tường thuật khá ly kỳ về việc bản thân mình bị lừa mất chiếc điện thoại iPhone 5s... Sau khi kiểm tra, xác minh thông tin trên, Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng CAQ Đống Đa khẳng định, CAQ đã yêu cầu Đội CSHS CAQ Đống Đa và CAP Ô Chợ Dừa vào cuộc rà soát, xác minh.  Kết quả cho thấy, trong vòng 1 tháng quanh thời điểm đó, trên địa bàn này không xảy ra cướp giật. Cơ quan công an cũng không tiếp nhận bất kỳ đơn thư phản ánh nào của người dân trên địa bàn về việc bị cướp giật, lừa đảo. 

Kiểu tung tin giật gân này thực ra không mới. Cách đây không lâu cộng đồng mạng được phen xôn xao khi thông tin các cô gái bị rạch đùi bằng dao lam nhiễm virus HIV được chia sẻ trên Facebook và nhiều trang mạng khác. Trong đó, đáng chú ý là thông tin về 3 nữ sinh bị rạch đùi bị nhiễm HIV ở trước Nhà hát Lớn Hà Nội. Tuy vậy, kết quả điều tra của Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã nêu rõ, thông tin này hoàn toàn là bịa đặt, được tung ra nhằm gây hoang mang dư luận. Đến lúc này thì nhiều người mới nhận ra mình bị lừa ngoạn mục.

Cuối tháng 2 vừa qua, trên trang mạng cá nhân có tên “Quảng Bình quê ta” một thanh niên đăng tải câu chuyện lái xe Camry rút súng bắn chết hai người trên xe tải sau vụ va chạm rồi bỏ chạy trên đường ven biển thuộc xã Quang Phú (thành phố Đồng Hới- Quảng Bình). Đăng kèm thông tin là bức ảnh xe cứu hộ và xe Camry trên đường. Hậu quả là đối tượng đăng tin đã bị xử phạt 25 triệu đồng vì tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng gây ảnh hưởng xấu trong dư luận xã hội. 

Cần xử nghiêm để làm gương

Về hiện tượng trên, luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc tung tin đồn nhảm với nội dung rùng rợn, giật gân khiến nhiều người hoang mang, lo lắng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung tin đồn, ý chí chủ quan của người tung tin, mức độ, hậu quả của việc tung tin đó đối với xã hội mà việc xử lý đối tượng cũng khác nhau. Cụ thể là người tung tin đồn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm các quyền dân sự, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nếu xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. 

Điều 25 Bộ luật Dân sự quy định khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Điều 604 Bộ luật Dân sự cũng nêu rõ: Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín…. của cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Như vậy, trong trường hợp cá nhân tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, sức khỏe… của chủ thể khác thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định. 

Trong trường hợp việc tung tin đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì đối tượng tung tin có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 121, Bộ luật Hình sự quy định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù từ 1-3 năm. Điều 122 quy định, người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Tùy từng trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù từ 1-7 năm.

“Nhằm ngăn chặn tình trạng tung tin sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt chẽ các trang mạng, kiểm tra và xử lý nghiêm những đối tượng tung tin giật gân, thất thiệt để làm gương. Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng cần lưu ý khi đăng bất cứ thông tin nào trên mạng xã hội, đừng vì thiếu hiểu biết mà tự hại mình, hại người” - luật sư Hồng Vân khuyến cáo.