Đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, đấu tranh phòng chống tội phạm (3):

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - nền tảng xây dựng Chính phủ điện tử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để thu thập, cập nhật thông tin cơ bản của công dân Việt Nam, nhằm phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

Công dân sẽ được cấp mã số định danh ghi trên Căn cước công dân và chỉ sử dụng Căn cước công dân để giải quyết các thủ tục hành chính

Công dân sẽ được cấp mã số định danh ghi trên Căn cước công dân và chỉ sử dụng Căn cước công dân để giải quyết các thủ tục hành chính

Cần thiết xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, thay vào đó là quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thực tế hiện nay, ở nước ta việc quản lý dân cư mang tính đơn lẻ, từng bộ, ngành quản lý, theo dõi riêng biệt. Để phục vụ công tác quản lý Nhà nước của bộ, ngành mình, đồng thời bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân trong từng bộ, ngành, lĩnh vực, các cơ quan quản lý Nhà nước đều cấp cho công dân một số loại giấy tờ nên mỗi công dân có thể sở hữu nhiều loại giấy tờ khác nhau. Có cá nhân đã thống kê hiện đang sở hữu 22 loại giấy tờ tùy thân khác nhau từ giấy khai sinh, căn cước công dân, sổ hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, giấy phép lái xe đến các loại thẻ, chứng chỉ liên quan khác.

Mỗi công dân, hiện nay, khi thực hiện thủ tục hành chính phải xuất trình nhiều loại giấy tờ, trong đó có cả giấy tờ sao y, công chứng và phải đi rất nhiều nơi để thực hiện thủ tục hành chính. Trong khi đó cơ quan Nhà nước gặp nhiều khó khăn trong việc tra cứu thông tin để giải quyết yêu cầu của người dân.

Cùng với việc cấp các giấy tờ cho công dân, việc nghiên cứu, xây dựng các cơ sở dữ liệu mới chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý Nhà nước của từng bộ, ngành, lĩnh vực mà chưa đặt vấn đề kết nối, chia sẻ thông tin chung. Do đó, không khắc phục được tình trạng cục bộ, chia cắt thông tin về công dân, không thống nhất về thông tin cơ bản của một công dân trong các cơ sở dữ liệu. Từ việc quản lý đơn lẻ dẫn tới gây lãng phí về kinh tế, nguồn nhân lực, khi thực hiện thủ tục hành chính. Người dân phải mất thời gian đi sao y, chứng thực các giấy tờ để chứng minh nhân thân, trong khi những loại giấy tờ liên quan đều chỉ sử dụng chung những thông tin về công dân giống nhau.

Cùng với quá trình phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong các mặt công tác quản lý Nhà nước nói chung và công tác nghiệp vụ của ngành Công an là xu hướng không thể đảo ngược. Muốn làm được điều này, cần phải xây dựng và kết nối được hệ thống các cơ sở dữ liệu với nhau, trong đó cốt lõi là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi có hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mỗi người chỉ cần quản lý một thẻ Căn cước công dân, thực hiện thủ tục hành chính đơn giản qua chính thẻ Căn cước công dân đó tại cơ quan hành chính gần nhất và cán bộ thao tác tra cứu, xác minh thông tin trên máy tính để có căn cứ đáp ứng yêu cầu của người dân.

Như vậy, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất trên toàn quốc để thu thập, cập nhật được thông tin cơ bản của công dân Việt Nam, nhằm phục vụ quản lý Nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân, khắc phục được các hạn chế, bất cập nêu trên là cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số.

Ý nghĩa thực tiễn trong đời sống

Thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất trên toàn quốc để dùng chung cho các bộ, ngành và chính quyền các cấp nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin về dân cư bao gồm số liệu, cơ cấu, phân bổ và biến động dân cư... phục vụ công tác quản lý Nhà nước, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chính là căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu, đề xuất lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, khắc phục tình trạng một người dân phải sử dụng quá nhiều giấy tờ cá nhân nhưng lại không đem lại hiệu quả trong công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Việc tra cứu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình, hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Thông tin về dân cư được thu thập, cập nhật thường xuyên sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý chắc biến động dân cư, quản lý các loại đối tượng hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng với mục tiêu kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc, làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm chi phí ngân sách Nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, Cơ sở dữ liệu về dân cư ra đời cũng sẽ góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ giấy tờ đang được lưu trữ quản lý tại cơ quan hành chính.

Đặc biệt, cơ sở dữ liệu dân cư còn có ý nghĩa, vai trò trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Bởi thông qua việc tổ chức thu thập, cập nhật các thông tin cơ bản của công dân sẽ tạo lập nên một hệ cơ sở dữ liệu về dân cư tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Từ hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư đó, sẽ giúp hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ngoài ra, Cơ sở dữ liệu dân cư còn có ý nghĩa, vai trò trong việc hoạch định, phát triển kinh tế của Nhà nước. Từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các bộ, ngành có thể tra cứu các thông tin như di biến động về tình hình dân cư, số lượng người đến độ tuổi lao động tại các địa phương. Từ đó có thể bố trí, sắp xếp các khu kinh tế trọng điểm tại địa phương mình; số lượng trẻ dưới và trên 14 tuổi, để sắp xếp xây dựng các trường học.

Quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện thu thập, cập nhật thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

- Công dân có quyền:

+ Được đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định.

+ Yêu cầu cơ quan quản lý Căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân hoặc thẻ Căn cước công dân chưa có, chưa chính xác hoặc có thay đổi theo quy định của pháp luật.

- Công dân có nghĩa vụ:

+ Cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh việc chấp hành nghiêm quyền và nghĩa vụ của mình, công dân cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đó, vận động người thân, bạn bè chấp hành nghiêm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, bảo đảm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao.