Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - Dấu mốc mới của kỷ nguyên số về dân cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sau khi khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, Bộ Công an đưa ra mục tiêu đến ngày 1-7-2021 sẽ cấp được 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Xung quanh sự kiện này, Báo ANTĐ đã có bài phỏng vấn Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) .

- PV: Thưa Phó Cục trưởng, tôi hình dung rằng việc ra mắt Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hôm nay giống như việc chúng ta hoàn thiện một bức tranh khổng lồ, mà mỗi chấm nhỏ trong đó là một bức chân dung hết sức đầy đủ về từng công dân. Hình dung như thế có đúng không?

- Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Theo cách hiểu tổng quan, việc nhìn nhận của bạn là đúng. Tuy nhiên, mỗi bức tranh, mỗi một bức ảnh dưới cái nhìn của công nghệ kỹ thuật số được tạo bởi hàng nghìn, hàng vạn điểm ảnh, mỗi điểm ảnh có một màu sắc cơ bản nhất định. Các điểm ảnh này không cố định mà luôn luôn thay đổi, đó chính là thông tin của công dân. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là giữ bức tranh này luôn sống, đây là yếu tố quyết định để đánh giá sự thành công trong việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo quy định tại Luật Căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và vận hành để đảm bảo cơ sở dữ liệu luôn “đúng, đủ, sạch, sống” là một nhiệm vụ xuyên suốt mà Lãnh đạo Bộ Công an đặt ra. Khi đó, dữ liệu quản lý sẽ có tính chất cập nhật và kịp thời điều chỉnh những thay đổi của công dân để tạo ra một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, giảm giấy tờ công dân, giảm chi phí hành chính, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực trong việc phát triển kinh tế, góp phần phát triển Chính phủ điện tử.

- PV: Với sự ra mắt Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hôm nay, có thể hiểu rằng từ nay, mọi hoạt động liên quan đến thủ tục hành chính của người dân sẽ trở nên đơn giản hơn?

- Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Với sự ra đời của Cơ sở dữ liệu dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính (chi phí do phải đi lại, công chứng, chứng thực các loại giấy tờ...).

Bên cạnh đó, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành; trong đó, mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Thực hiện phương thức quản lý mới sẽ bảo đảm công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để phục vụ công tác quản lý; qua đó, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan nhà nước với người dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu chuyên ngành của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công hoặc giao dịch dân sự của công dân; về cơ bản khi tham gia các hoạt động này thì cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin về nơi cư trú của công dân đã cung cấp với thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc tra cứu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi giải quyết các thủ tục hành chính sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Đồng thời, các hệ cơ sở dữ liệu như đăng ký ô tô, xe máy, đăng ký đất đai, thuê nhà đất của nhà nước, đăng ký khách hàng của ngân hàng hay các công ty bảo hiểm nếu được truyền số định danh cá nhân sẽ tạo điều kiện cho việc tìm kiếm nhanh và có thêm nhiều thông tin về khách hàng. Thiết lập và cập nhật cơ sở dữ liệu mới bằng cách trích xuất từ hệ cơ sở dữ liệu dân cư rồi bổ sung các chỉ tiêu nhận biết riêng biệt theo mục đích riêng. Việc tạo ra cơ sở dữ liệu mới theo cách này làm giảm chi phí và giảm bớt thủ tục hành chính vì mỗi cá nhân không phải khai những thông tin dữ liệu đã có.

- PV: Lực lượng Công an đã hết sức để thu thập được hơn 86 triệu thông tin công dân trong thời gian qua. Phía sau công việc bề nổi đó là những phần việc nào để vận hành được hệ thống Cơ sở dữ liệu?

- Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Có thể nói rằng, trong thời gian qua để thu thập được 99.05% công dân trên toàn quốc, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là Cảnh sát khu vực và Công an xã đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực trong công tác, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp để cập nhật bổ sung từng thông tin bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đằng sau việc Công an địa phương trực tiếp thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đó là hàng loạt công việc cần thiết triển khai, đồng thời để bảo đảm tính pháp lý và triển khai tổng thể các hệ thống máy chủ, lưu trữ, xử lý dữ liệu an toàn, bảo mật thông tin công dân.

Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an)

Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội,

kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an)

- PV: Ngày hôm nay, Bộ Công an đã khai trương và đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Sau khi bấm nút khai trương, mục tiêu tiếp theo là gì, thưa Phó Cục trưởng?

- Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Trong thời gian tới, các nhiệm vụ đặt ra của 2 dự án là rất lớn, nhất là trong điều kiện có nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19. Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn lực lượng triển khai toàn diện, quyết liệt các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, tập trung duy trì việc bổ sung, cập nhật thông tin dân cư hàng ngày ngay từ cơ sở bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”; tiếp tục hoàn thiện các Trung tâm dữ liệu, hệ thống bản đồ số, đường truyền, các giải pháp bảo mật an ninh an toàn; quyết tâm triển khai “chiến dịch” cấp 50 triệu thẻ căn cước công dân từ nay đến 1/7/2021.

Đồng thời, phối hợp Văn phòng Chính phủ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chỉ đạo để sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử; nghiên cứu, đề xuất các ứng dụng để tích hợp trong chip điện từ trên thẻ căn cước công dân để quản lý ngành, lĩnh vực được phân công và đẩy mạnh cải cách hành chính...

Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết tâm xây dựng tiến tới cơ bản hoàn thành dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án Sản xuất, cấp quản lý Căn cước công dân trước ngày 1/7/2021.

- PV: Việc cấp thẻ CCCD gắn chip đã được triển khai thời gian qua. Vậy việc khai trương hệ thống hôm nay có ý nghĩa như thế nào?

- Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Việc cấp CCCD gắn chip thời điểm là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước có vai trò hết sức to lớn đóng góp vào việc hình thành Chính phủ điện tử, mở đầu cho kỷ nguyên số, làm tiền đề cho tất cả các dịch vụ công trực tuyến sau này.

Việc khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD đánh dấu mốc son đặt nền tảng hình thành công dân số trên cơ sở đổi mới tổ chức, quản lý, chia sẻ, khai thác thông tin dân cư chính xác, thống nhất hiện đại. Đồng thời, làm thay đổi phương thức hoạt động của việc cấp CCCD cũ, cải thiện năng lực quản lý nhà nước trong quản lý dân cư, nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công và dịch vụ công cộng, rút gọn thủ tục, giảm thời gian thực hiện các hoạt động dịch vụ công, xây dựng bộ máy nhà nước hiện đại, minh bạch.

-PV: Việc sử dụng, khai thác dữ liệu dân cư sẽ như thế nào để đảm bảo tính bảo mật thông tin cá nhân?

- Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Theo quy định tại của Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thông qua kết nối mạng viễn thông, mạng máy tính với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; qua cổng thông tin điện tử do cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định và văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.

Trong quá trình tổ chức triển khai, Bộ Công an luôn xác định mục tiêu khi xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải bảo đảm yêu cầu “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, đồng thời, hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp như: Fire Wall phần cứng và phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền, ký số xác thực của Ban Cơ yếu chính phủ. Vì vậy đảm bảo thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.

- PV: Ngoài những đột phá trước mắt có thể thấy ngay như đơn giản thủ tục hành chính, giảm lượng giấy tờ, tiết kiệm thời gian, hệ thống này sẽ tạo những triển vọng thế nào trong hoạt động nhà nước cũng như đời sống xã hội?

- Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an: Bên cạnh những đột phá về đơn giản thủ tục hành chính, giảm lượng giấy tờ, tiết kiệm thời gian, việc xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại Việt Nam sẽ mang lại một luồng sinh khí mới trong các hoạt động quản lý nhà nước cũng như trên mọi mặt của đời sống xã hội, góp phần giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến sổ hộ khẩu với việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước về quản lý cư trú, quản lý dân cư…sẽ tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt là quyền tự do cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

Việc cập nhật thường xuyên dữ liệu về dân cư sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý dân cư, quản lý các loại đối tượng, hỗ trợ công tác tra cứu, xác minh về nhân thân của công dân, bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.

Trên cơ sở các chỉ tiêu thông tin về dân cư, hệ thống bản đồ số (bộ não của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư) sẽ phân tích, tổng hợp thông tin về dân cư trên cả nước và đưa ra các số liệu, cảnh báo về tình trạng dân cư tại Việt Nam (ví dụ: công dân trong độ tuổi lao động; công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự…). Đây chính là nền tảng để nhà nước hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Việc kết nối, chia sẻ thông tin dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành sẽ làm tăng khả năng khai thác lợi ích từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế tối đa sự trùng lặp thông tin, giảm thiểu chi phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu đó. Đồng thời góp phần làm giảm khối lượng hồ sơ, giấy tờ hiện đang lưu trữ tại các cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam.

- PV: Xin cảm ơn Phó cục trưởng đã trả lời phỏng vấn!