Cơ sở để tăng giá điện phải minh bạch

ANTĐ - Hôm qua, 21-11, bên hành lang Quốc hội, các ĐBQH đã có nhiều bình luận “nóng” xung quanh con số lỗ 10.162 tỷ đồng vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố cuối tuần trước.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Cần tiếp tục làm rõ khoản lỗ của EVN

“Khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, tôi thấy nói đến nhiều nguyên nhân khách quan nhưng cá nhân tôi lại thấy rằng, hoạt động thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính. EVN kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ viễn thông tới bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, để phân tán nguồn lực. Phải minh bạch trách nhiệm của EVN trong các khoản đầu tư ngoài ngành. Tiếp đó, cơ sở tăng giá điện phải minh bạch, làm rõ giá thành sản xuất kinh doanh điện. Trong đó có nỗ lực của EVN về việc chống thất thoát điện như thế nào. Tôi muốn lưu tâm đến vấn đề này vì thất thoát điện cũng là nguyên nhân làm giá thành cao. Phải làm rõ như vậy để có cơ sở đòi hỏi trách nhiệm, không đơn giản là EVN cứ nói thế nào, tin thế ấy rồi cho tăng giá điện. Câu chuyện lỗ lãi, minh bạch giá thành và tăng giá điện hiện nay rất bức xúc.

Cần làm rõ vì sao EVN không tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nguồn điện, lưới điện theo yêu cầu phát triển mà lại tập trung đầu tư vào ngành khác, để tình trạng thiếu nguồn điện, thiếu lưới điện kéo dài như vậy. Tôi cho rằng trước mắt, khoản lỗ này phải khoanh lại và làm rõ tất cả thì mới cho phân bổ”.

ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa): Người dân không phải gánh thất thoát của ngành điện

“Việc tính đúng tính đủ các chi phí để đưa vào giá thành là cần thiết vì chúng ta vận hành theo cơ chế thị truờng. Nhưng đơn vị kiểm toán cần lưu ý, khi tính toán giá thành điện, những chi phí nào không phục vụ cho việc phát điện thì phải triệt để loại ra ngoài. Giả sử những khoản đầu tư ngoài ngành của EVN chẳng hạn, nếu không phục vụ cho việc phát điện thì không được đưa vào giá thành.

Về tỷ lệ thất thoát điện năng, trên nguyên tắc, người dân không phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát đó của ngành điện. Do quản lý yếu kém, kết cấu hạ tầng của ngành điện đã cũ, yếu kém dẫn đến thất thoát lớn. Đây là điều mà ngành điện phải kiểm tra lại. Hiện nay, có ý kiến cho rằng Nhà nước nên quy định mức trần thất thoát của ngành điện”.

ĐB Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ): Điều chỉnh giá điện phải tính tới lạm phát

“Việc đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, trong đó có EVN, là điều mà cử tri, các ĐBQH rất quan tâm. Việc lỗ lãi của một doanh nghiệp lớn phải được xem xét thật kỹ. Tại lĩnh vực kinh doanh chính mà Chính phủ giao, anh làm được gì, hiệu quả tới đâu? Các ĐBQH hiện không đồng tình với việc đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, vấn đề lỗ của từng doanh nghiệp trong việc đầu tư ngoài ngành phải xem xét thật kỹ, trong đó, có tính tới trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp đó. Điều này thì cần phải thanh tra mới làm rõ được.

Việc tính đúng tính đủ chi phí giá thành điện là vấn đề phải đặt ra, nhưng có điều chỉnh giá hay không thì Chính phủ phải cân nhắc kỹ trong bối cảnh đang tập trung kiềm chế lạm phát hiện nay. Nếu cần thiết, Chính phủ phải bù lỗ, còn nếu đưa khoản lỗ vào tăng giá điện trong thời điểm hiện nay thì phải hết sức thận trọng”.