Cô sinh viên mỹ thuật và mối duyên sơn mài

ANTD.VN - Đua tài cùng nhiều bạn sinh viên ngành mỹ thuật ứng dụng tham gia cuộc thi “Hanoia Design Contest”,  Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1995), đang theo học ngành sơn mài - khoa Mỹ thuật truyền thống, trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã xuất sắc giành giải nhất với bộ trà “Tịnh liên”.

Khác với những ngành mỹ thuật khác, sơn mài có những nét riêng biệt rất độc đáo từ chất liệu, màu sắc cho đến cách tạo hình.

Khởi nguồn nghệ thuật là rung cảm

Sơn mài đến với Mai Anh như một mối duyên tình cờ, bắt nguồn từ triển lãm sinh viên do trường tổ chức. Ngắm những bức tranh sơn mài trong dạt dào rung cảm về chất liệu, cách tạo hình, Mai Anh đã chọn gắn bó với ngành sơn mài trong quá trình theo học.

Thương hiệu sơn mài Hanoia được biết đến với sự chú trọng kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, giữa truyền thống và hiện đại. Tham gia cuộc thi “Hanoia Design contest”, Mai Anh xác định có cơ hội được va chạm, cọ xát và thêm kiến thức về sơn mài. Thêm vào đó, chủ đề “Trà, nghệ thuật của cuộc sống’’ đã hoàn toàn thuyết phục Mai Anh.

Cô chia sẻ: “Từ xưa đến nay, thưởng trà là một thói quen mang đậm nét truyền thống của người Việt. Tôi muốn thông qua cuộc thi, đưa những giá trị văn hóa cao đẹp vào trong tác phẩm của mình để đến với mọi người.”

Cô sinh viên mỹ thuật và mối duyên sơn mài ảnh 2 Bài thi Bộ trà Tịnh liên đem về cho Mai Anh giải nhất cuộc thi “Hanoia Design contest”

Mai Anh đã rất xúc động và hạnh phúc khi vinh dự là người đoạt giải nhất trong cuộc thi với bộ trà “Tịnh Liên”: “Thiết kế bộ đồ trà lấy ý tưởng từ nhụy sen, đài sen - những phần tinh hoa được cánh sen che chở. Hoa sen là loài hoa thanh cao và thuần khiết, sen hồng còn được coi là Quốc hoa của  Việt Nam”. Hơn nữa, loại trà sen thơm ngát được ủ từ trong những bông sen chưa nở tạo cảm hứng sáng tác cho Mai Anh. 

Khơi dòng chảy văn hóa truyền thống

Để làm nên một bức tranh hay sản phẩm sơn mài cần trải qua rất nhiều công đoạn từ khâu làm vóc, sau đó được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Trải qua nhiều lần như vậy, khâu cuối cùng mới là đánh bóng. Tranh sơn mài hay sản phẩm sơn mài đều có độ sâu, màu sắc lớp này chồng nên lớp khác đem lại những rung cảm về chất liệu rõ ràng.

Những lúc làm việc độc lập, Mai Anh thường nghĩ làm sao để có thể tạo thêm những điều mới, điều hay; sử dụng chất liệu sơn mài kết hợp các chất liệu khác như thế nào để đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, khác với những ngành mỹ thuật khác, đặc thù của sơn mài là có sơn ta bên trong, dễ gây dị ứng cho người vẽ. Mai Anh từng bị dị ứng một vài lần, rất ngứa và phải dùng lá khế chua vò nát đắp lên mới khỏi, nhưng với người yêu thích sơn mài như Mai Anh, điều đó cũng chẳng hề gì.

Người trẻ hiện nay học sơn mài có những thuận lợi về các loại cốt, vóc, vật liệu màu. Trước đây cốt sơn mài chủ yếu là cốt gỗ thì hiện nay có thêm nhiều loại cốt mới như cốt tre, nứa, gốm, composite...

Cô sinh viên mỹ thuật và mối duyên sơn mài ảnh 3Một số tác phẩm sơn mài kết hợp mây tre đan của Nguyễn Thị Mai Anh

Ngoài những màu cơ bản như cánh gián đen và đỏ thì ngày nay, người ta đã chế tạo thành công các loại sơn công nghiệp có nhiều ưu điểm, nhất là dễ dàng trong sản xuất tranh và màu sắc thì vô cùng phong phú. Sinh viên theo học ngành sơn mài tuy chưa có điều kiện thực hiện các chất liệu quý như bạc, vàng… để làm nên những bức tranh sơn mài, song có thể thử sức với các vật liệu thông dụng như trai, ốc, trứng gà, trứng vịt…

Là một người trẻ tuổi, coi sơn mài như một bản lề mở ra trang mới trong cuộc đời, Mai Anh chia sẻ: “Sơn mài rất đáng quý và độc đáo; mọi người đừng ngần ngại bỏ chút thời gian tìm hiểu, sẽ thấy những thú vị rất riêng”. Cô hy vọng tương lai không xa, sơn mài sẽ giải quyết được những khó khăn trước mắt, bước những bước tiến vững chắc và tiến xa để có thể truyền tải những nét đẹp văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè các nước khác.