Cơ quan tố tụng phải xin lỗi công khai người bị hàm oan

ANTD.VN -  Đó là một trong những ý kiến thảo luận tại hội trường Quốc hội diễn ra vào chiều nay (11-11), được Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện KSND Tối cao góp ý về dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). 

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ phát biểu thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi)

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Thủy mở đầu: "Ai trong chúng ta cảm thấy day dứt khi nhận được thông tin lại có thêm một người bị oan và cảm thấy không yên lòng khi công tác giải quyết bồi thường oan sai còn nhiều khúc mắc".

Theo ĐB Nguyễn Thị Thuỷ, trong thời gian qua mặc dù số lượng vụ án oan xảy ra chiếm tỷ lệ rất ít so với số vụ án đã giải quyết, nhưng hậu quả gây ra rất nghiêm trọng. Dẫn chứng điều này, ĐB Thuỷ nêu, như vụ một công dân ở tỉnh Bắc Ninh mang án oan suốt 46 năm; ông Huỳnh Văn Nén ở tỉnh Bình Thuận mang trên mình 2 bản án oan; ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang phải ngồi tù oan suốt 10 năm.

"Qua công tác giải quyết, tôi thấy mừng vì cảm nhận được thái độ tích cực và cầu thị của các cơ quan tố tụng" - ĐB Thủy chia sẻ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về cơ chế pháp luật nên dẫn đến việc giải quyết một số vụ có nhiều điều phải suy nghĩ.

Thứ nhất, tổ chức xin lỗi công khai người bị oan theo dự thảo Luật, xin lỗi công khai là một khâu nằm trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường. Theo đó, nếu người bị oan có yêu cầu bồi thường thì việc xin lỗi công khai mới diễn ra, còn người bị oan không yêu cầu bồi thường, thì việc xin lỗi công khai không diễn ra. Như vậy, cách đặt vấn đề của Dự thảo luật là chưa phù hợp.

Bởi gốc vấn đề  là cơ quan Nhà nước đã làm oan cho người vô tội, còn người bị oan có yêu cầu bồi thường vật chất hay không là câu chuyện khác, nhưng việc tổ chức xin lỗi công khai người bị oan là việc mà Nhà nước phải làm, không phụ thuộc vào việc người bị oan có yêu cầu hay không yêu cầu.

Thứ hai, để phát hiện tội phạm, pháp luật đã trao cho các cơ quan tiến hành tố tụng được quyền áp dụng nhiều biện pháp có tính cưỡng chế rất mạnh, nếu áp dụng đúng thì sẽ có tác dụng tìm ra tội phạm, còn áp dụng sai thì hậu quả gây ra rất nặng nề.

Từ phân tích trên, ĐB Thủy đề nghị cần quy định rõ mọi trường hợp làm oan cơ quan tố tụng phải có trách nhiệm tổ chức xin lỗi công khai, không phụ thuộc vào họ có yêu cầu hay không yêu cầu.

Về trình tự thủ tục xin lỗi cần quy định rõ trong luật, chứ không giao cho Bộ Tư pháp hướng dẫn.

Cùng chung ý kiến với ĐB Thủy, một số ĐBQH khác cũng cho rằng như Dự thảo luật quy định, mọi khoản thiệt hại phải có yêu cầu của người bị oan Nhà nước mới bồi thường như liệt kê trong Dự thảo luật là không phù hợp, bởi có những thiệt hại liên quan đến giam oan, tù oan, tử hình oan. Mỗi ngày bị giam oan, tù oan được tính tương ứng bằng 5 ngày lương cơ sở, tức là 275 nghìn đồng, trường hơp tử hình oan được tính bằng 360 tháng lương cơ sở.

Đây là thiệt hại nghiêm trọng nhất, trực tiếp nhất do việc làm oan gây ra nếu đặt vấn đề có yêu cầu mới bồi thường, không có yêu cầu không bồi thường là chưa thể hiện thực tâm, thực lòng mong muốn bù đắp cho người bị oan. Do vậy, luật cần quy định đây là những khoản đương nhiên Nhà nước phải bồi thường không cần phải có yêu cầu.

Về việc tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án, tránh oan sai, theo quy định của pháp luật quá trình giải quyết vụ án hình sự phải trải qua nhiều giai đoạn với sự tham gia của các cơ quan khác nhau, như Tòa chưa thể xét xử khi chưa có cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, cũng như Viện kiểm sát chưa có thể truy tố khi chưa có kết quả của Cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, Dự thảo luật đang xử lý vấn đề này, khi xảy ra án oan không phải tất cả những cơ quan liên quan đến quá trình gây oan đó phải chịu trách nhiệm đứng ra giải quyết bồi thường, chỉ có cơ quan làm oan cuối cùng trong quy trình tố tụng có trách nhiệm giải quyết bồi thường và xin lỗi người oan sai.