Cơ quan Thuế lý giải việc "rà soát" xe ôm, quán cóc, vỉa hè

ANTD.VN - Tổng cục Thuế cho biết việc rà soát các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, quán cóc, vỉa hè, các hộ kinh doanh tự phát... nhằm phát hiện và đưa vào diện quản lý những hộ kinh doanh mà cơ quan thuế còn bỏ sót.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) mới đây đã có công văn gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố chỉ đạo công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế khoán năm 2019.

Đáng lưu ý, tại báo cáo này, Tổng cục Thuế cho biết, kết quả rà soát của cơ quan thuế cho thấy, số hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định nhưng chưa đưa vào diện quản lý thuế lên tới 581.700 hộ. Do vậy, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế đưa ngay những hộ kinh doanh này vào diện quản lý thuế.

Đồng thời các cục thuế phải thường xuyên rà soát đảm bảo dữ liệu giải trình đối với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè, hộ kinh doanh tại các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động (chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản…)

Thông tin này khiến nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngại về tính khả thi vì các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, kinh doanh quán cóc, vỉa hè... thường nhỏ và rải rác và không ổn định, rất khó quản lý thuế.

Tuy nhiên, nói rõ về thông tin này, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng công văn của cơ quan này không có nghĩa là các cá nhân làm xe ôm, quán cóc sẽ đưa vào diện quản lý thuế. Việc rà soát các cá nhân kinh doanh không thường xuyên nhằm phát hiện và đưa vào diện quản lý những hộ kinh doanh mà cơ quan thuế còn bỏ sót.

Các quán cóc, vỉa hè sẽ được rà soát nhằm tránh bỏ sót đối tượng phải quản lý thuế

Cụ thể, theo bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế thì công tác rà soát này là một trong những công việc thường xuyên của cơ quan thuế, đặc biệt vào những dịp cuối năm dương lịch để chuẩn bị cho mùa lập “Bộ thuế hộ kinh doanh” của năm tiếp theo.

Theo đó,bất cứ thành phần dân cư nào hoạt động sản xuất - kinh doanh, cung cấp dịch vụ có phát sinh thu nhập, dù là chỉ đủ nuôi sống bản thân và gia đình cũng thuộc diện được tính vào điều tra thống kê. Theo quy định hiện hành, hàng năm cơ quan thuế có trách nhiệm rà soát thường xuyên tại địa bàn để đưa vào diện quản lý và công khai thông tin, bao gồm cả những hộ kinh doanh chưa đến mức nộp thuế.

Nếu hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm cơ quan thuế mới ra thông báo để yêu cầu nộp thuế. Đối với nhóm hộ kinh doanh quy mô nhỏ, chỉ đủ bù đắp cuộc sống bản thân và gia đình thì cơ quan thuế chưa đưa vào diện quản lý.

“Việc thực hiện công khai thông tin hộ khoán thuộc diện quản lý thuế nhằm mục đích tăng cường khả năng giám sát của người dân, các hộ kinh doanh cùng địa bàn, chính quyền địa phương, qua đó hạn chế tối đa sự thỏa thuận ngầm nếu có giữa cán bộ thuế và hộ kinh doanh” – bà Tạ Thị Phương Lan cho biết.

Về con số 581.700 hộ kinh doanh chư được đưa vào diện quản lý thuế, bà Lan cho hay, theo số liệu tổng điều tra thống kê năm 2017 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số cơ sở kinh tế cá thể là hơn 4,3 triệu cơ sở. Trong khi ấy, số lượng hộ kinh doanh đang quản lý thường xuyên của cơ quan thuế năm 2018 là gần 1,7 triệu hộ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chênh lệch lớn về số liệu trên là do có sự khác nhau giữa tiêu chí thống kê và tiêu chí quản lý thuế. Trong đó, tiêu chí để ngành thuế đưa vào diện quản lý chỉ bao gồm các hộ kinh doanh có địa điểm cố định, thường xuyên, quy mô lớn và vừa, các hộ kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp...

Tuy nhiên, sau khi loại trừ các nhóm kinh tế cá thể khác tiêu chí quản lý thường xuyên của cơ quan thuế thì theo cơ quan thuế, số liệu chênh lệch vẫn còn là 581.700 hộ kinh doanh.

Vì vậy, bà Tạ Thị Phương Lan cho biết, để xác định chính xác số liệu chênh lệch nêu trên có thực sự là số lượng hộ kinh doanh mà ngành thuế chưa đưa vào quản lý hay không, Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu các địa phương rà soát để phát hiện và đưa vào diện quản lý những hộ kinh doanh còn bỏ sót.