Cơ quan quản lý đồng loạt cảnh báo cơn "sốt đất ảo"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ Xây dựng cùng nhiều địa phương đã liên tục “gióng chuông” cảnh báo hiện tượng đầu cơ, “thổi giá” đất; đồng thời đưa ra những giải pháp để ngăn chặn, không để xảy ra “bong bóng” bất động sản

Giá đất tăng chủ yếu do bị “thổi giá”

Trên thực tế, hiện tượng “sốt đất” không chỉ xảy ra từ đầu năm nay mà ngay từ năm 2020 khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế nước ta, giá đất ở nhiều nơi đã bị đẩy cao.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), giá nhà ở riêng lẻ, đất nền năm 2020 có xu hướng tăng hơn so với năm 2019, tuy nhiên, biên độ tăng giá rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi địa phương.

Nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương chỉ khoảng 3-5%.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường tại một số địa phương có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số dự án, khu vực với mức tăng mạnh.

Cụ thể, tại Hà Nội, một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25 - 30 triệu/m2 tăng 50% so với năm 2019; các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30% so với năm 2019.

Tại TP.HCM, kể từ sau thông tin TP.HCM sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt.

Ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m2. Tại phường Trường Thọ (1uận Thủ Đức), giá đất trước đây chỉ khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 - 90 triệu đồng/m2, tăng khoảng 40% so với năm 2019.

Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP.HCM và việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, giá đất bình quân năm 2019 khoảng 12-14 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên khoảng 22 triệu đồng; đất tại thị trấn Long Thành có nơi đã tăng đến 100 triệu đồng/m2.

Tại Cần Thơ, các dự án gần trung tâm Thành phố, gần đường lớn có mức giá bình quân từ 40 – 60 triệu đồng/m2; dự án nằm trong lớp trong, tiếp giáp đường nhỏ có mức giá từ 20-30 triệu đồng/m2; mức giá này tăng khoảng 7% so với năm 2019.

Cơ quan quản lý cho rằng việc giá đất tăng mạnh cục bộ tại một số địa phương chủ yếu do "cò đất" thổi giá
Cơ quan quản lý cho rằng việc giá đất tăng mạnh cục bộ tại một số địa phương chủ yếu do "cò đất" thổi giá

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, qua ghi nhận, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì việc tăng giá mạnh và cục bộ tại một số khu vực thì giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ.

Cùng với sự tăng giá do có sự đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản "thổi giá" nhằm thu lợi bất chính.

Tăng cường quản lý, không để xảy ra “bong bóng” bất động sản

Để cảnh báo tình trạng này, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Trong đó, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Theo dõi nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Đặc biệt, tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Đồng thời, thực hiện quản lý, kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế của các khu vực trên địa bàn tránh ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống của người dân; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan (nếu có).

Các địa phương vào cuộc

Cùng với văn bản của Bộ Xây dựng, nhiều địa phương cũng đã có những động thái nhằm ngăn chặn hiện tượng “thổi giá” gây “sốt ảo” thị trường nhà đất.

UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành chỉ thị, theo đó, yêu cầu UBND cấp xã phải tăng cường kiểm tra, xây dựng cơ chế khuyến khích phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật đất đai; khi phát hiện các trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích, tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất phải có trách nhiệm chỉ đạo thiết lập hồ sơ xử lý ngay và xử lý nghiêm theo thẩm quyền.

Các khu vực có dấu hiệu gia tăng đột biến tình trạng chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, "sốt ảo" phải được chú ý đặc biệt để chỉ đạo cơ quan chuyên môn. UBND cấp xã sớm kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm nêu trên.

UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) cũng ban hành văn bản yêu cầu các xã phường và đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai.

Kịp thời các thông tin liên quan đến tình trạng cò mồi, đầu cơ, thao túng thị trường. Đồng thời cập nhật, công khai, đăng tải thông tin pháp lý của các dự án cho người dân được biết, cảnh báo người dân cảnh giác trước việc "sốt đất ảo".