Có quản được xe khách trá hình?

ANTĐ - Bộ GTVT đang xây dựng Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 18 năm 2013 về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng, không ít quy định tại dự thảo Thông tư sẽ gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. 
Có quản được xe khách trá hình? ảnh 1Vận tải khách hợp đồng và du lịch sẽ được “quan tâm” đặc biệt

Chặn xe “núp bóng” 

  

Tình trạng xe hợp đồng và du lịch trá hình để chở khách tuyến cố định đã làm “loạn” hoạt động kinh doanh vậy tải bấy lâu nay. Bởi vậy, dự thảo Thông tư sẽ siết chặt loại hình vận tải này. Xe vận tải khách hợp đồng và du lịch không được xác nhận đặt chỗ, bán vé cho hành khách dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, loại xe này chỉ được đón trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết.

Bộ GTVT cũng đề xuất, đơn vị vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch không được đón, trả khách tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi đỗ xe. Bên cạnh đó, từ ngày 1-7-2015, trước khi thực hiện hợp đồng vận tải khách du lịch hay hợp đồng chở khách (với ô tô 10 chỗ trở lên) doanh nghiệp phải thông báo tới Sở GTVT - nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành trình, thời gian thực hiện hợp đồng bằng văn bản hoặc qua thư điện tử. “Xe hợp đồng, xe du lịch phải thực hiện theo đúng tính chất, loại hình kinh doanh. Lâu nay một số xe đăng ký kinh doanh hợp đồng du lịch nhưng lại phát hành vé hay phát giấy chứng nhận đặt chỗ và lấy điểm đỗ là khách sạn, quán cà phê. Đây là kinh doanh theo hình thức xe khách tuyến cố định. Những hình thức như thế, phải chấm dứt”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay.

Nhiều điểm khó khả thi

Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP. HCM đề nghị bỏ quy định trước khi thực hiện hợp đồng chở khách phải thông báo tới Sở GTVT hành trình, bởi quy định này thực chất chỉ làm tăng thêm khối lượng công việc của cả doanh nghiệp cũng như của cơ quan Nhà nước. 

Ông Bùi Danh Liên – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cũng cho rằng, đây là quy định khó thực hiện, không dễ đi vào cuộc sống bởi cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều phải bố trí thêm người. Ông Liên cho hay: “Với hàng nghìn xe hợp đồng, xe du lịch thì Sở GTVT sẽ quản lý không xuể. Chúng tôi ủng hộ sửa đổi Thông tư 18 vì đã bỏ đi nhiều điểm không hợp lý, nhưng lại đẻ ra nhiều biện pháp khó khả thi”. Đại diện một doanh nghiệp vận tải lớn trên địa bàn TP Hà Nội nhận định, quy định này chỉ làm khó cho doanh nghiệp. Vị này lấy ví dụ, doanh nghiệp trung bình một ngày có 150 xe chạy hợp đồng, mỗi xe 35 khách, để báo cáo hết danh sách khách đi lại trong ngày lên Sở GTVT thì doanh nghiệp phải bố trí mấy người chỉ chuyên… đánh máy. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp biến tướng, “núp” bóng xe hợp đồng để vận tải khách cố định thì ai sẽ kiểm soát danh sách hành khách gửi đi hàng ngày? 

Để hạn chế tình trạng bắt khách dọc đường cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp “gom” khách, dự thảo Thông tư đưa ra loại hình xe trung chuyển khách đến các bến xe, các điểm đón/trả khách trên tuyến. Mặc dù quy định xe này không được thu tiền trực tiếp, song không ít chuyên gia lo ngại sẽ biến tướng thành xe buýt trá hình. “Ai sẽ kiểm soát loại xe này, bấy lâu nay khâu kiểm tra, hậu kiểm của chúng ta chưa được chặt chẽ. Nếu “đẻ” thêm ra mà không quản lý được thì còn nguy hiểm hơn”, đại diện một doanh nghiệp vận tải nói. 

Dự thảo cũng đưa ra quy định, từ 1-1-2016, không được sử dụng xe khách có giường nằm hai tầng để kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và du lịch. Và, từ ngày 
1-7-2015, không bố trí xe khách có giường nằm hai tầng hoạt động trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi. Về vấn đề này nhiều người cho rằng, cần có khảo sát, nghiên cứu và đánh giá nghiêm túc mới có thể kết luận cấm hay không. Một quyết định vội vàng của cơ quan quản lý Nhà nước sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và xã hội.