- Vụ khai thác trái phép đất hiếm tại Yên Bái: Tinh vi thủ đoạn “tuồn” tài nguyên ra nước ngoài
- Cơ quan điều tra chỉ rõ những sơ hở trong vụ khai thác đất hiếm tại Yên Bái
- Đề nghị truy tố cựu thứ trưởng vì “tiếp tay” doanh nghiệp khai thác đất hiếm trái phép
Theo đó, trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm ở Yên Bái và xuất lậu sang Trung Quốc, Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an đã kê biên tài sản của bị can Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Dương) đối với 3 bất động sản tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, 2 bất động sản ở Hà Nội. Ngoài ra, CQĐT còn kê biên 3,5 triệu cổ phần trị giá 350 tỷ đồng đứng tên Đoàn Văn Huấn, vợ và anh trai bị can này tại Công ty Thái Dương.
Liên quan, bị can Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Đất hiếm Việt Nam) bị kê biên hơn 1,4 triệu cổ phần, trị giá hơn 14,6 tỷ đồng. CQĐT cũng phong tỏa số tiền 40 tỷ đồng tại 20 sổ tiết kiệm mang tên Đỗ Hạnh Hương.
![]() |
Cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc (ngoài cùng, bên trái) và các bị can liên quan |
Quá trình điều tra, các bị can khắc phục hơn 15,7 tỷ đồng. CQĐT cũng đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hà Nam không cho phép các cổ đông của Công ty Thái Dương và Công ty Đất hiếm Việt Nam mua bán, chuyển nhượng cổ phần khi chưa có ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tại thời điểm khám xét khẩn cấp vào ngày 9-10-2023, CQĐT đã thu giữ nhiều dây chuyền máy móc, phương tiện, thiết bị, hàng hóa (quặng đất hiếm, quặng sắt, các loại hóa chất phục vụ chế biến quặng đất hiếm, các sản phẩm được chế biến từ đất hiếm…) tại mỏ đất hiếm Yên Phú (tỉnh Yên Bái) của Công ty Thái Dương, văn phòng và các máy móc thiết bị tại bãi tập kết quặng của Công ty Hợp Thành Phát; tại nhà máy và các xưởng chế biến đất hiếm của Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam ở Hà Nam, Hà Nội, Bắc Giang; tại các xưởng chế biến đất hiếm của bị can Lưu Đức Hoa ở Hải Phòng.
Theo kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Yên Bái ngày 10-1-2025, tổng giá trị các loại quặng đất hiếm và quặng sắt thu giữ tại mỏ Yên Phú ở thời điểm bắt giữ các bị can (tháng 10-2023) là hơn 128 tỷ đồng và tại thời điểm thẩm định (tháng 12-2024) là hơn 133 tỷ đồng…
CQĐT đã yêu cầu định giá các hợp chất có chứa đất hiếm, máy móc, thiết bị phục vụ chế biến của Công ty Đất hiếm Việt Nam. Tại thời điểm ngày 9-10-2023 có 5 hợp chất có chứa đất hiếm không thu thập được giá thị trường và có 9 hợp chất có chứa đất hiếm trị giá hơn 16,1 tỷ đồng.
Tại thời điểm định giá ngày 12-8-2024 có 10 hợp chất có chứa đất hiếm không thu thập được giá thị trường và có 4 hợp chất có chứa đất hiếm trị giá hơn 9,5 tỷ đồng.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Giang và TP Hà Nội nêu một số khó khăn khi định giá. Cụ thể như, khoáng sản đất hiếm là mặt hàng đặc thù, không có giao dịch mua bán phổ biến trên thị trường, không thuộc danh mục các hàng hóa do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định giá nên không thu thập được thông tin.
Mặt khác, dù đã phát hành thư mời các đơn vị thẩm định giá tham gia định giá tài sản nhưng không có đơn vị nào tham gia. Hội đồng định giá cũng không nhận được hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường trường về phương pháp thu thập thông tin tính giá, cách xác định giá đất hiếm…
Trong vụ án này, bị can Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch Công ty Thái Dương) bị đề nghị truy tố về 3 tội danh là “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Gây ô nhiễm môi trường”.
Nhóm 7 bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên Bộ Tài nguyên Môi trường (TN&MT) và Sở TN&MT tỉnh Yên Bái bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Những bị can trên gồm Nguyễn Linh Ngọc - cựu Thứ trưởng Bộ TN&MT; Nguyễn Văn Thuấn - cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản; Hoàng Văn Khoa - cựu Vụ trưởng Vụ Khoáng sản và Hồ Đức Hợp - cựu Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái…
Các bị can còn lại lần lượt bị đề nghị truy tố về các tội danh khác là “Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, “Buôn lậu”, “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”, “Gây ô nhiễm môi trường” và “Vi phạm quy định kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”...