Cơ quan chức năng khẳng định không có gạo giả

ANTĐ - Liên quan đến thông tin nghi gạo giả xuất hiện trên thị trường Hà Nội (có hình dạng và mùi bất thường, khi nấu thành cơm có mùi nhựa) khiến người dân rất hoang mang mấy ngày qua, chiều 5-4, các cơ quan chức năng sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm, xác minh đã chính thức khẳng định, đó đều là gạo thật.
Cơ quan chức năng khẳng định không có gạo giả ảnh 1
Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh gạo trên phố Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội

Cục ATVSTP - Bộ Y tế cho biết, sau khi xuất hiện thông tin gạo giả trên địa bàn Hà Nội, lãnh đạo Cục đã làm việc với cơ quan liên quan phối hợp xác minh, giải quyết. Ngày 3-4, Chi cục ATVSTP và lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã cơ bản xác định được khu vực Tân Mai (quận Hoàng Mai) là nơi nghi ngờ có bán gạo giả  như thông tin phản ánh. Ngày 4-4, Cục đã phối hợp với Chi cục ATVSTP Hà Nội thành lập đoàn kiểm tra tiến hành xác minh và lấy mẫu gạo nghi gạo giả tại các địa chỉ do người dân và một số cơ quan báo chí cung cấp. Trong đó có một cơ quan cung cấp cho đoàn 2 mẫu gạo nghi gạo giả là gạo tám Thái (giá bán 20.000 đồng/kg) và gạo xi dẻo (giá bán 13.000 đồng/kg) mua tại chợ Tân Mai với phản ánh sau khi nấu cả 2 loại gạo này có mùi lạ, riêng loại gạo xi dẻo có mùi hắc hơn. Ngày 4-4, đoàn thanh tra liên ngành của thành phố và Cục ATVSTP cũng đã kiểm tra đại lý gạo Đức Thiện (số 32/88 Giáp Nhị, Hoàng Mai, Hà Nội), hiện đang bán các loại gạo nhập từ 4 người ở Mỹ Hào (tỉnh Hưng Yên), Giao Thủy (tỉnh Nam Định) và Ứng Hòa (Hà Nội). Qua kiểm tra trực tiếp các lô gạo tại cơ sở không phát hiện bất thường về màu sắc và mùi vị. Cục ATVSTP đã lấy 3 mẫu gạo tám Thái, xi dẻo, tẻ Điện Biên của cơ sở này để làm kiểm nghiệm, cùng 2 mẫu gạo do cơ quan báo chí cung cấp trước đó.
Cơ quan chức năng khẳng định không có gạo giả ảnh 2
Mẫu gạo được đưa đi kiểm nghiệm

Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm Quốc gia (Cục ATVSTP) thực hiện cho thấy, cả 5 mẫu gạo trên đều có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là giả, không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích. Trao đổi với PV ANTĐ ngày 5-4, Cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế, ông Trần Quang Trung cho biết, do đây thực sự là thông tin rất “nhạy cảm”, không chỉ người dân mà cả lãnh đạo thành phố, Sở Y tế Hà Nội cũng rất quan tâm, liên tục gọi điện đến Cục cập nhật thông tin, bởi kết quả có hay không có gạo giả trên thị trường Hà Nội sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tình hình kinh tế xã hội cũng như tâm lý người dân. “Việc kiểm nghiệm một mẫu gạo đơn thuần không phức tạp, tuy nhiên để khẳng định kết quả có gạo giả hay không phải rất thận trọng và chắc chắn sẽ phải tiến hành kiểm nghiệm nhiều chỉ số cụ thể như dầu bóng, nhựa, chất bảo quản… bởi không loại trừ khả năng đó là gạo thật nhưng đã được người sản xuất, kinh doanh “mông má” lại để làm hạt gạo đẹp hơn, ngon hơn” - ông Trung chia sẻ. Cục trưởng Cục ATVSTP Trần Quang Trung cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, do đó đề nghị Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản - Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gạo, nhằm hạn chế tối đa các sản phẩm gạo kém chất lượng, gạo không đảm bảo ATTP lưu hành trên thị trường, đồng thời công khai rộng rãi các thông tin về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng. Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi ngày 5-4 tại một số điểm kinh doanh gạo ở Hà Nội, hầu hết các chủ kinh doanh gạo cũng như rất nhiều khách hàng đều tỏ ra khá bất ngờ và “bất bình” với thông tin gạo giả có mặt trên thị trường. Anh Kiều Văn Giang, chủ đại lý gạo ở ngã 3 phố Hoàng Ngân - Nhân Chính chia sẻ: “Kinh doanh gạo đã nhiều năm nay nhưng tôi chưa bao giờ nghe nói có gạo giả ở Việt Nam, mà nếu có gạo giả thì chắc loại gạo đó được sản xuất ra nhằm mục đích gì đó chứ không phải để nấu ăn như gạo thường, bởi giá gạo của nước ta vốn đã rất rẻ và rất sẵn. Như cửa hàng của tôi nhập gạo trực tiếp từ Nam Định, bán với giá từ 10.000-25.000 đồng/kg gạo tùy loại nhưng mỗi kilôgam gạo chỉ lãi khoảng 2.000-3.000 đồng, nếu sản xuất được gạo giả như thật mà bán với giá đó thì tôi nghĩ sẽ… lỗ nặng”.
Nghiền nhỏ mẫu gạo thấy không có gì bất thường

Cũng liên quan đến thông tin gạo giả nghi xuất hiện ở Hà Nội, chiều 5-4, ông Phạm Đồng Quảng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, đó không phải gạo giả. Ông Quảng cho biết, cơ quan này đã nhận được 1 mẫu gạo nghi giả tại thị trường Hà Nội. Quan sát bề ngoài cho thấy, không có khác biệt gì đáng kể so với gạo bình thường. “Chúng tôi đã mang mẫu gạo đi phân tích các chỉ tiêu aminoza và protein. Kết quả cho thấy, hàm lượng aminoza đạt 26%, tương tự gạo khang dân; protein đạt 6,5%, trong khi gạo khang dân là 6,7%. Nếu là gạo được chế tạo từ nhựa thì không thể có aminoza”. Ngoài ra, Cục này cũng đã mang mẫu gạo trên đi nghiền nhỏ, kết quả không có gì bất thường, mang nấu chín thì thời gian chín có chậm hơn một chút, nhưng không có mùi vị gì bất thường. Tuy nhiên, ông Quảng cho biết, do tỷ lệ aminoza cao, nên thời gian nấu sẽ lâu chín hơn một số loại gạo có tỷ lệ aminoza thấp.

Hải Dương