Cơ quan, cán bộ sai phạm phải bồi thường

ANTD.VN - Đây là quan điểm được nhiều ĐBQH tán thành khi góp ý vào dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội, ngày 27-10. Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng đề nghị dự thảo luật cần bổ sung các quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi trong việc giải quyết bồi thường, tránh kéo dài việc bồi thường hay gây thiệt thòi cho người bị thiệt hại.

Đoàn ĐBQH Hà Nội thảo luận tại tổ 

Luật phải hướng về người bị thiệt hại

Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được trình Quốc hội lần này đã sửa đổi quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. 

Cho ý kiến vào dự luật này, tại tổ Hà Nội, ĐB Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho rằng, dự luật dù quy định theo hướng nào thì cũng phải hướng về người bị thiệt hại.

“Muốn vậy phải rà lại, gỡ bỏ các điều khoản kỹ thuật gây khó cho người bị thiệt hại. Chẳng hạn cần quy định rõ trách nhiệm giải quyết bồi thường thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước chứ không phải người bị thiệt hại, do đó cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm hướng dẫn người bị thiệt hại làm hồ sơ thủ tục chứ không ra thời hiệu (3 năm) cho người bị thiệt hại phải hoàn thiện hồ sơ yêu cầu đòi bồi thường. Cùng đó nên mở rộng phạm vi quyền khởi kiện tại tòa án của người bị thiệt hại, tránh tình trạng khi người bị thiệt hại vì không hiểu biết pháp luật mà bị đình chỉ yêu cầu giải quyết bồi thường”, ĐB Nguyễn Phi Thường phân tích.

Về phía cơ quan giải quyết bồi thường của Nhà nước, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước đưa ra 2 mô hình: Cơ quan nào có sai phạm hoặc cán bộ sai phạm phải đứng ra bồi thường; các tỉnh/ thành phố, các bộ phải thành lập các cơ quan đứng ra bồi thường.

Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội nêu quan điểm ủng hộ phương án thứ nhất, tức cơ quan nào làm sai hoặc có cán bộ làm sai thì phải đứng ra bồi thường cho người bị thiệt hại. Quy định như vậy sẽ phù hợp hơn, sát thực tế hơn và thuận lợi hơn cho người được bồi thường. Mặt khác, quy định theo hướng này cũng sẽ tránh tình trạng bộ máy cồng kềnh hơn so với việc thành lập thêm bộ phận mới tại các địa phương, bộ ngành trong bối cảnh chúng ta đang tinh giản bộ máy.

Chưa có kinh nghiệm bồi thường quyết định hành chính

Một trong những nội dung được chú ý nhất là việc dự luật quy định rõ trách nhiệm bồi thường của cơ quan quản lý Nhà nước khi ra các quyết định hành chính gây thiệt hại cho người dân. Các ĐB đều cho rằng, quy định như vậy là rộng hơn, thể hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước với dân. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về tính khả thi của quy định này trong thực tiễn.

Đồng tình với quy định này song theo ĐB Đào Thanh Hải, dự luật cần quy định cụ thể hơn theo hướng cơ quan hành chính Nhà nước chỉ bồi thường khi quyết định hành chính đó gây thiệt hại cho người dân, tổ chức, còn người dân và tổ chức không bị thiệt hại thì không bồi thường.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Hòa Bình (đoàn Quảng Ngãi) - Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao chỉ ra, theo luật hiện hành, Nhà nước mới chủ yếu bồi thường khi gây thiệt hại cho người dân trong tư pháp, hình sự, oan sai, giờ mở ra thêm đền bù trong lĩnh vực dân sự, cụ thể là quyết định hành chính thì chưa có kinh nghiệm. 

“Bồi thường trong lĩnh vực hình sự chúng ta làm nhiều năm nay và dù có kinh nghiệm rồi nhưng vẫn có khó khăn. Ví dụ như vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, nếu như chúng ta bồi thường theo đúng quy định của luật, thì theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phải có đầy đủ giấy tờ, xác nhận chi tiêu để làm căn cứ bồi thường, dư luận sẽ đặt ra câu hỏi là sao ông này ngồi tù mười mấy năm lại chỉ đền bù có bấy nhiêu. Còn nếu như chúng ta vận dụng số tiền quá nhiều thì cũng có một luồng dư luận khác lên án vì tiền bồi thường là của Nhà nước. Trên thực tế, khi vận dụng luật có những khoản không thể nào chứng cứ hóa, không định lượng được, ví dụ như thiệt hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần… Lĩnh vực hình sự đã khó khăn, nay quy định sang lĩnh vực hành chính trong khi chúng ta chưa có kinh nghiệm thì không biết mênh mông thế nào? Do đó, nếu luật quy định thì phải có hướng dẫn rất cụ thể”, ĐB Nguyễn Hòa Bình phân tích.

Cũng theo ĐB Nguyễn Hòa Bình, việc quy định trách nhiệm bồi thường của các cơ quan Nhà nước liên quan, hay thu hồi tiền bồi thường của cán bộ gây ra sai sót phải bồi thường cũng cần nghiên cứu đảm bảo khách quan theo hướng tất cả cơ quan có liên quan đều phải chịu trách nhiệm chứ cứ làm xong rồi, chuyển sang cơ quan khác thụ lý tiếp rồi thì coi như vô can là không công bằng.