Cổ phiếu ngân hàng lao dốc, nhà đầu tư ngoại còn mặn mà?

ANTD.VN - Việc các cổ phiếu ngân hàng lao dốc thời gian gần đây trong bối cảnh suy giảm chung của thị trường chứng khoán trong nước làm dấy lên lo ngại về việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp khó khăn.

Ngân hàng mong vốn ngoại

Hiện trên sàn niêm yết có một số ngân hàng thương mại đã và đang lên kế hoạch chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, VPBank đã được UBCKNN đồng ý điều chỉnh giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài để thực hiện chủ trương phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vietcombank cũng dự kiến sẽ phát hành 10% cổ phiếu, tương đương 360 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo công bố thông tin, Vietcombank đã cơ bản hoàn tất các thủ tục với các nhà quản lý để triển khai kế hoạch.

BIDV cũng đang trong quá trình xúc tiến kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Dù chưa có kế hoạch và hoàn thành các thủ tục nhưng ngân hàng này đã thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

Trong khi đó, HDBank thì dự định gọi vốn qua phát hành trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư nước ngoài bằng việc phát hành riêng lẻ tối đa 3.000 trái phiếu chuyển đổi cho các nhà đầu tư nước ngoài với mệnh giá 100.000 USD/trái phiếu, tổng giá trị tối đa lên tới 300 triệu USD. HDBank dự kiến sẽ phát hành trong năm 2018 hoặc đầu năm 2019, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Có thể thấy, việc các ngân hàng tìm nguồn vốn ngoại thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ sẽ là xu hướng tất yếu. Đây cũng là lĩnh vực mà các nhà đầu tư ngoại rất quan tâm khi rót vốn vào Việt Nam.

Trong khi đó, với chủ trương không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn ngoại thì tới đây, các tập đoàn tài chính quốc tế nếu muốn vào Việt Nam sẽ phải chọn con đường M&A với các tổ chức hiện hữu. Cơ hội tìm dòng vốn ngoại của các ngân hàng Việt, vì vậy rộng mở hơn.

Dù thị trường đi xuống nhưng nhiều ngân hàng vẫn cấp tập chuẩn bị kế hoạch chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài

Theo các chuyên gia, sở dĩ ngân hàng hấp dẫn dòng vốn ngoại là do triển vọng được dự báo rất tích cực của ngành này. Tuy nhiên, trước xu hướng đi xuống của thị trường, được dự báo sẽ ít lạc quan từ nay đến cuối năm, liệu kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài có bị ảnh hưởng.

Thị trường đi xuống, thuận lợi hay khó khăn

Trên thị trường, tính đến phiên giao dịch ngày 29/10, thị trường chứng khoán đã có 8 phiên giảm sâu liên tục, VN-Index chính thức xuyên thủng mốc 900 điểm. Tính từ mức đỉnh 1.200 điểm được thiết lập cách đây gần 7 tháng, VN-Index đã đánh mất gần 26%.

Trong bối cảnh này, cổ phiếu ngân hàng luôn là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề của đà giảm. Cụ thể, mã VCB (Vietcombank) cũng chứng kiến phiên giảm thứ 8 liên tiếp, chỉ còn quanh mức 54.000 đồng/cổ phiếu, mất khoảng 27% thị giá so với mức đỉnh hồi tháng 4.

BID (BIDV) cũng đã mất tới hơn 18% giá trị chỉ sau 6 phiên giao dịch gần đây, mất tới hơn 38% so với mức đỉnh hồi tháng 4. Câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra với VPBank và HDBank.

Điều này đã phần nào tác động đến kế hoạch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng. Mới đây nhất, VPBank đã quyết định lùi thời gian phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được đưa ra trước đó. Theo lãnh đạo VPBank, quyết định này được đưa ra trong bối cảnh những diễn biến của thị trường chứng khoán trong và ngoài nước không thuận lợi.

Ở hướng ngược lại, Vietcombank lại cho rằng đây sẽ là thời điểm thuận lợi, vì việc giá cổ phiếu giao dịch trên sàn tăng cao thời gian qua chính là một trở ngại khiến kế hoạch phát hành của ngân hàng khó khả thi. Với diễn biến giá giảm sâu những tháng gần đây, mức giá cổ phiếu VCB sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với trước để họ có thể triển khai kế hoạch ngay trong tháng 11 tới.

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc thị trường chứng khoán đi xuống những ngày qua có mặt ảnh hưởng tiêu cực xong cũng có mặt tích cực đối với kế hoạch gọi vốn nước ngoài của các ngân hàng.

“Thời điểm này việc phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ gặp bất lợi khi dòng vốn ngoại không mấy “mặn mà” với các thị trường cận biên và thị trường mới nổi như Việt Nam, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và kế hoạch tăng lãi suất của Fed.

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, việc thị trường đi xuống khiến giá cổ phiếu ngân hàng tương đối hấp dẫn nhà đầu tư. Cùng với đó, nền tảng kinh tế vĩ mô tương đối khả quan, các ngân hàng cũng “ăn nên, làm ra” cũng là điểm cộng đối với nhà đầu tư ngoại” – TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, vấn đề mấu chốt hiện nay là tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ; tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước đang bị khống chế mức 30%.

Đây là con số còn thấp, không khuyến khích các nhà đầu tư trong nước mạnh bạo bỏ vốn vào các ngân hàng.

Vì vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất nới “room” ngoại lên mức tối thiểu 49%. “Theo tôi không nên sợ các nhà đầu tư nước ngoài khuynh đảo nền tài chính trong nước, vì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước còn có rất nhiều công cụ khác để kiểm soát điều này” – ông nói.