Cổ phiếu ngân hàng đã tăng “khủng” như thế nào trong tháng 5?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là nhóm ngành hiếm hoi có kết quả kinh doanh tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, cổ phiếu ngân hàng đang là dòng cổ phiếu tăng “nóng” nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay. Có những cổ phiếu tăng tới 50-60% chỉ trong 1 tháng.

25/26 cổ phiếu ngân hàng tăng

Hiện nay, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán đang rất lớn giúp cho thanh khoản thị trường liên tục ở mức kỷ lục trên dưới 1 tỷ USD những phiên gần đây. Tuy nhiên, do thị trường phân hóa cực mạnh nên chỉ một số ít nhóm cổ phiếu được hưởng lợi, trong đó tài chính ngân hàng là nhóm cổ phiếu đang “dẫn sóng”, có đóng góp lớn nhất cho đà tăng của các chỉ số.

Trong đó, riêng phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/5, toàn bộ các cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên 3 sàn là HOSE, HNX, và UPCoM đều tăng giá, trong đó nhiều cổ phiếu tăng kịch trần.

Trong đó, nhiều cổ phiếu ngân hàng nhỏ giao dịch trên UPCoM hôm nay đồng loạt tăng trần hoặc chạm trần, mức tăng 13,3 – 15%, như: BVB của Ngân hàng Bản Việt, VBB của VietBank, SGB của Saigonbank, PGB của PGBank, NAB của Nam A Bank.

Trong nhóm giao dịch trên HOSE, STB của Sacombank và LPB của LienVietPostBankcũng tăng kịch trần, mức tăng 6,9%.

Nhiều cổ phiếu khác cũng có mức tăng “khủng” như ABB của ABBank tăng 7,1%, SSB của SeABank tăng 5,3%, KLB của Kienlongbank 4,8%, EIB củ Eximbank tăng 4,1%.

Các cổ phiếu BID của BIDV, MSB của MSB, MBB của MB, TCB của Techcombank, OCB của OCB... đều có mức tăng 3-4%. Hai cổ phiếu “nặng mông” nhất trong phiên là VIB và VCB của Vietcombank cũng tăng lần lượt 0,8% và 0,9%...

Cổ phiếu ngân hàng đang "dẫn sóng" thị trường chứng khoán

Cổ phiếu ngân hàng đang "dẫn sóng" thị trường chứng khoán

Tính trong cả tháng 5, có đến 25/26 cổ phiếu ngân hàng giao dịch trên 3 sàn tăng giá, ngoại trừ Vietcombank. Trong đó, có nhiều cổ phiếu tăng mạnh, như: SSB tăng tới trên 45%; STB tăng trên 33%; TPB của TPBank tăng xấp xỉ 32%; LPB tăng 30%; STB tăng TCB tăng tới trên 29%; MBB tăng trên 24%; HDB tăng 20%...

Riêng SSB, dù mới chỉ lên sàn HOSE từ 24/3 nhưng đến nay cổ phiếu này đã tăng gấp hơn 2 lần, cũng là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất từ đầu năm đến nay.

Tương tự, các cổ phiếu trên UPCoM, nhiều cổ phiếu tăng tới 30-40% chỉ trong vòng 1 tháng qua. Đáng chú ý có BVB tăng tới 66% trong 1 tháng.

Với diễn biến tăng nóng trên sàn, giá hầu hết các cổ phiếu ngân hàng thời điểm hiện tại đều đã vượt 20.000 đồng/cổ phiếu (duy chỉ có SGB đang là 19.800 đồng/cổ phiếu). Trong khi đó, giờ này năm ngoái nhóm cổ phiếu này chỉ có chưa đến 10.000 đồng.

Triển vọng vẫn tích cực

Sở dĩ cổ phiếu ngân hàng thu hút dòng tiền là nhờ kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận tăng mạnh trong quý I và kế hoạch chia cổ tức, các thông tin về tăng vốn, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài của các nhà băng trong năm nay.

Trong báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) nhận xét, kết thúc quý I, kết quả kinh doanh của các ngân hàng đều tích cực so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận các ngân hàng tăng nhờ 4 yếu tố. Thứ nhất là nền lợi nhuận thấp của cùng kỳ năm trước. Thứ hai là tăng trưởng tín dụng cao so với quý I/2020 - giai đoạn nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng cho vay âm.

Thứ ba là biên lãi thuần mở rộng nhờ chi phí huy động giảm mạnh hơn lãi suất cho vay khách hàng. Cuối cùng là tăng cường cắt giảm chi phí hoạt động và chất lượng tài sản vẫn được kiểm soát tốt...

Dựa trên kết quả kinh doanh quý I và năng lực kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam cùng các chính sách hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất, Thông tư 03/2021, IVS cho rằng hầu hết các ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2021.

Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, hoạt động tăng vốn và tìm kiếm đối tác chiến lược (LienVietPostBank, OCB, SHB, Vietcombank, TPBank, VPBank) hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền (HDBank, LienVietPostBank), sẽ là một trong những động lực tích cực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng trong giai đoạn 2021-2022.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cổ phiếu ngân hàng tăng nóng suốt một thời gian dài cũng có thể đem đến nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, khả năng “đu đỉnh” hay “bắt dao rơi” là rất cao.