Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Tránh “tài sản chạy loanh quanh”

ANTĐ - Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được xác định là khâu trọng tâm, là giải pháp chủ yếu để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng để cổ phần hóa triệt để và hiệu quả, cần phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch.

MobiFone sẽ được tách ra khỏi VNPT

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không phải chuyển mọi nguồn lực từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân, mà nên được hiểu là Nhà nước sẵn sàng lui lại về mặt kinh doanh thị trường, chuyển dịch cơ hội kinh doanh. Nhà nước sẵn sàng rút đi để nhường chỗ cho nhân dân. Tài sản và vốn Nhà nước đang sử dụng được chuyển một phần ra bên ngoài. Nhà nước bán bớt cổ phần để thu lại tiền, tái đầu tư”.

Theo Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, từ năm 2011 đến hết năm 2013, cả nước cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp, trong đó có 19 tổng công ty Nhà nước với số cổ phần chào bán trị giá gần 19 nghìn tỷ đồng. Đây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước khó khăn. “Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty cổ phần qua cổ phần hóa tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán, củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, tạo ra bước đổi mới trong nhận thức, tư duy, về quan hệ sản xuất và vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”- Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đánh giá.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong số 3.576 doanh nghiệp được sắp xếp, cổ phần hóa từ trước đến nay, thì có 85% doanh nghiệp có doanh thu năm sau cao hơn năm trước khi sắp xếp, cổ phần hóa; gần 90% doanh nghiệp sau khi sắp xếp, cổ phần hóa có lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước; 86% doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, chứng tỏ cổ phần hóa là hướng đi đúng cho doanh nghiệp Nhà nước để tái cơ cấu kinh tế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, quyết tâm chính trị để cải cách đang rất lớn nhưng cần phải bắt tay thực hiện. Không trực tiếp đề cập đến vấn đề đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng hàm ý, không nên thấy kinh tế có dấu hiệu phục hồi mà cho rằng mô hình kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng. 

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, từ trước đến nay, doanh nghiệp Nhà nước đã mở rộng sản xuất, kinh doanh ở quá nhiều lĩnh vực, mà lẽ ra, nhân dân phải làm. “Lĩnh vực nào màu mỡ thì doanh nghiệp Nhà nước làm, nguồn lực vơ vào tay mình. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước 2014-2015 diễn ra ngày 18-2, Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp vào 30% ngân sách, nhưng lại sử dụng 50% nguồn vốn tín dụng, chứng tỏ họ vẫn lấy đi nhiều hơn là đóng góp”- bà Phạm Chi Lan nói. 

Đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011- 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015, phải cổ phần hóa 531 doanh nghiệp; sáp nhập, hợp nhất 25 doanh nghiệp; giải thể, phá sản 16 doanh nghiệp và giao, bán 10 doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ nặng nề không chỉ bởi số lượng doanh nghiệp cần sắp xếp, cổ phần hóa lớn nên đòi hỏi phải minh bạch, khách quan trong cổ phần hóa doanh nghiệp. “Tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp Nhà nước này bán, doanh nghiệp Nhà nước khác trong cùng một tập đoàn mua lại. Cuối cùng thì tài sản đó vẫn loanh quanh trong doanh nghiệp Nhà nước mà không ra ngoài được. Nên thuê các chuyên gia, tổ chức đánh giá độc lập bên ngoài để làm tốt quá trình chuyển hóa, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước và thêm điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển” - bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.