Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Khó về đích đúng hạn

ANTĐ - Trong số rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước bị chậm thì việc nắm giữ vốn doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn được xem xét lại.

Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Khó về đích đúng hạn ảnh 1Cổ phần hóa sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn

Tỷ lệ vốn huy động rất thấp 

Báo cáo tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp cập nhật đến tháng 9-2014 của Bộ Xây dựng cho thấy, vẫn đang trong những bước thực hiện đầu tiên. Cụ thể, đến cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Xây dựng mới chỉ thành lập được Ban chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa của 9 tổng công ty; hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp và đang thẩm định phương án cổ phần hóa của 1 tổng công ty và 2 công ty con; đang xác định giá trị doanh nghiệp của 5 tổng công ty và 4 tổng công ty khác vẫn đang trong giai đoạn xử lý tài chính trước khi xác địnQh giá trị doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù số lượng doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa đến năm 2015 không nhiều nhưng doanh nghiệp đều có qui mô lớn với giá trị từ 1.000 tỷ đồng đến gần 20.000 tỷ đồng nên công tác cổ phần hóa gặp những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, “dự kiến đến cuối năm 2015, về cơ bản Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành công tác cổ phần hóa và không còn doanh nghiệp Nhà nước”, đại diện Bộ Xây dựng khẳng định.

Tương tự, Bộ GTVT cũng cho hay, đến tháng 9-2014, Bộ này còn 42 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc duy trì tỷ trọng vốn Nhà nước quá cao trong các đề án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chỉ bán cổ phần khoảng 25-30%, nếu trừ đi phần ưu đãi bán cho công nhân, viên chức thì tỷ lệ bán ra thị trường chỉ còn 15-20%, không cho phép các nhà đầu tư chiến lược có đủ tỷ lệ cổ phần để tham gia Hội đồng quản trị, tác động vào nhân sự, chiến lược. Do đó, không nhà đầu tư chiến lược nào bỏ tiền ra để rồi họ không có được tiếng nói quyết định. “Điều này đã thể hiện rất rõ trong tiến độ cổ phần hóa chậm chạp, tỷ lệ vốn huy động được rất thấp. Với tiến độ như hiện nay chắc chắn sẽ không thể thực hiện được kế hoạch đã được đề ra”, ông Lê Đăng Doanh thẳng thắn.

 “Nghẽn” ở địa phương?

Cho rằng động thái ban đầu của các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa là tích cực, đúng hướng và đúng cách, song chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, trong 2 năm 2014-2015 phải cổ phần hóa được 532 doanh nghiệp Nhà nước (tức là căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình cổ phần hóa) là thách thức lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh cả nền kinh tế, khu vực Nhà nước và khu vực doanh nghiệp đều gặp khó khăn. Ông Trần Đình Thiên dẫn chứng, đến nửa năm 2014, cả nước mới cổ phần hóa được 38 doanh nghiệp, tương đương với 3,9% số doanh nghiệp phải cổ phần hóa trong 2 năm (2014-2015). Nếu so với kế hoạch năm 2014 thì con số này mới đạt tỷ lệ 10,4%. 

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Trình - Phó Hiệu trưởng trường Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, một số địa phương chưa mặn mà với việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý. Nguyên nhân do quy định các địa phương khi cổ phần hóa đều phải chuyển phần vốn thu hồi do bán cổ phần cho SCIC (Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước) quản lý, mặc dù vốn này trước đây do ngân sách địa phương đầu tư. “Quy định này khiến các địa phương lấn cấn”, ông Nguyễn Văn Trình nói. Bên cạnh đó, tổng vốn chủ sở hữu hiện nay của khu vực doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước là hơn 1,1 triệu tỷ đồng, nhưng riêng 32 doanh nghiệp của khối doanh nghiệp Trung ương quản lý đã chiếm đến 94% vốn chủ sở hữu và chiếm đến 95% tổng doanh thu của cả khu vực doanh nghiệp Nhà nước trên cả nước. Vốn nhà nước ở các doanh nghiệp địa phương rất nhỏ. 

“Vì vậy, thời gian tới, Chính phủ nên cho phép phần vốn thu hồi sau cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước địa phương sẽ do địa phương quản lý”, ông Nguyễn Văn Trình đề xuất. Cụ thể, sau khi được tiếp nhận vốn sau cổ phần hóa, các địa phương nên hình thành công ty đầu tư tài chính Nhà nước giống như mô hình SCIC ở địa phương. Hiện nay, TP.HCM đã có Công ty đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HIFIC) thực hiện chức năng gần giống như SCIC. HIFIC còn thực hiện chức năng đầu tư vốn Nhà nước vào các doanh nghiệp và tài trợ vốn, cho các đơn vị, doanh nghiệp vay vốn ưu đãi phục vụ sự nghiệp đầu tư phát triển trên địa bàn TP.HCM.