Có những vacine nào phòng bệnh bạch hầu?

ANTĐ - Các cơ quan y tế đánh giá nguy cơ bệnh bạch hầu lây lan từ Lào sang Việt Nam là hoàn toàn có thể. Trong khi đó, nhiều phụ huynh “phát sốt” vì các loại vaccine dịch vụ phòng bệnh bạch hầu đang “cháy hàng”, còn vaccine tiêm chủng mở rộng Quinvaxem thì đang gây nhiều nghi ngại về chất lượng. Có loại vaccine nào khác phòng tránh bệnh bạch hầu không đang là băn khoăn của nhiều bậc phụ huynh.
Có những vacine nào phòng bệnh bạch hầu? ảnh 1

Theo cơ quan y tế thì dù có nguy cơ xâm nhập nhưng may mắn là hiện cộng đồng có miễn dịch với bệnh bạch hầu ở nước ta khá lớn do được tiêm phòng. Ngoài ra, những bệnh nhân đã từng mắc bệnh bạch hầu lúc nhỏ cũng là người có miễn dịch tự nhiên. Tuy nhiên tỷ lệ này ngày càng giảm do bệnh bạch hầu hiện rất ít, vì vậy phải tạo miễn dịch chủ động bằng tiêm phòng vaccine.

Trong khi đó, hiện vaccine Quinvaxem là loại vaccine tổng hợp có phòng bệnh bạch hầu lại đang khiến nhiều người nghi ngại sau một số ca tử vong, dù các cơ quan y tế đã lên tiếng xác nhận những ca tử vong này đều không liên quan đến vaccine. Hiện các loại vaccine dịch vụ thì đang khan hiếm, gần như không có để tiêm. Điều này khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ có thể lây bệnh bạch hầu. Một câu hỏi đặt ra là, liệu có loại vaccine đơn nào để phòng riêng bệnh bạch hầu hay không?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thì hiện ở nước ta, ngoài vaccine Quinvaxem còn có vaccine TD phòng bệnh bạch hầu, uốn ván. Tuy nhiên, Việt Nam không tổ chức tiêm phổ biến vaccine TD trong cả nước mà chỉ huy động cho chống dịch và chủ yếu là tiêm cho đối tượng người lớn. Ví dụ như tại ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam trong tháng 6, tháng 7-2015 vừa qua, các cơ quan y tế đã lập tức khoanh vùng khống chế. Gần 900 người dân xung quanh khu vực có dịch đã được tiêm vaccine TD để phòng bệnh. 

Còn với trẻ em, bệnh ho gà nguy hiểm không kém bệnh bạch hầu, uốn ván nên vaccine TD không được chỉ định cho trẻ. Thay vào đó, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vaccine Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi - viêm màng não do vi khuẩn Hib) đang được tiêm miễn phí cho tất cả trẻ nhỏ. Về nguy cơ phản ứng phụ, theo cơ quan y tế, chủ yếu là phản ứng nhẹ như nóng sốt, quấy khóc, sưng đau vết tiêm…

Các phản ứng nặng là hi hữu, hiếm gặp. Vì vậy, cách tốt nhất để phòng bệnh là tiêm phòng vaccine. Nhất là trong điều kiện hiện nay các bệnh như ho gà, bạch hầu, hay sởi đang có nguy cơ xảy ra dịch. Bệnh ho gà gặp rất nhiều ở các trẻ thành phố, trong đó Hà Nội có số trẻ mắc bệnh rất lớn, chủ yếu rơi vào nhóm trẻ tiêm phòng muộn, trì hoãn chưa tiêm phòng.

Ngoài ra, để phòng bệnh bạch hầu lây lan, cơ quan y tế khuyến cáo nếu người dân đi du lịch sang Lào phải phải giữ vệ sinh cá nhân như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ như đau họng cần đi khám bởi đau họng trong bạch hầu là giả mạc, chỉ đi khám cán bộ y tế mới phát hiện.