Có những kiến nghị "tồn" hơn chục năm

ANTĐ - Sáng 4-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần quan tâm nhiều hơn đến hậu giám sát, vì đây là công tác cơ bản, quan trọng nhất.
Chiều 28-5, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Đề án, dự thảo Nghị quyết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí cao về chủ trương, sự cần thiết, phạm vi đề xuất đổi mới nêu trong Đề án, dự thảo Nghị quyết và cho rằng, Đề án, dự thảo Nghị quyết được xây dựng công phu, bao quát được những vấn đề lớn cần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội.
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu cho rằng, Đề án cần nêu rõ hơn nữa công tác tiếp xúc cử tri và các biện pháp phục vụ cho hoạt động hậu giám sát bởi đây là hai nội dung quan trọng nhất. 
Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội cần quan tâm hơn nữa tới hoạt động hậu quán sát. Bởi hiện nay, việc giải quyết hậu giám sát làm chưa tốt, trong thời gian tới cần quy định trách nhiệm rõ hơn về hậu giám sát. 
Cùng nhận định này, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa- Vũng Tàu) cũng cho rằng, việc soạn thảo các văn bản luật được thực hiện rất công phu nhưng việc tổ chức, hoạt động thực tế như thế nào thì ít được quan tâm, cần nâng cao hơn nữa hoạt động hậu giám sát.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cũng nhận định rằng, việc tiếp xúc cử tri và công tác hậu giám sát chưa được thực hiện có hiệu quả, bởi mỗi lần tiếp xúc cử tri, có những kiến nghị đã được nghe từ bao lâu nay, bao lần rồi nhưng cuối cùng đến giờ vẫn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đến nơi đến chốn. "Có kiến nghị từ hàng chục năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa giải quyết được. Đề nghị, đề án cần làm rõ hơn nữa các biện pháp giải quyết vấn đề này để có được sự thay đổi thực sự", ông Sơn nói.
Về vấn đề tiếp xúc cử tri, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định rằng, tiếp xúc cử tri là hình thức quan trọng để đại biểu Quốc hội thu thập thông tin, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và báo cáo với cử tri kết quả hoạt động của mình. Tuy đã cố gắng, nhưng việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội thời gian qua hiệu quả chưa cao. Để khắc phục hạn chế này, cùng với đề xuất đổi mới trong dự thảo Nghị quyết, Ủy ban thường vụ Quốc hội đang phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiến hành tổng kết để sửa đổi Nghị quyết liên tịch số 06/2004 ngày 10/9/2004 giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
Có những kiến nghị "tồn" hơn chục năm ảnh 1
Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn)
Về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) nhận định rằng: quy định về bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã có hơn 10 năm nay nhưng việc bỏ phiếu chưa một lần được thực hiện trên thực tế. Vì vậy, đề án cần phải quy định rõ dựa vào những tiêu chí nào để kiến nghị bỏ phiếu. Bà Nga cũng kiến nghị nên sửa đổi quy định phải có 20% số đại biểu Quốc hội đề nghị mới tiến hành bỏ phiếu vì điều này không khả thi.
Cũng theo bà Nga, nên có hai hình thức bỏ phiếu tín nhiệm: định kỳ và bất thường khi xảy ra vấn đề và chỉ nên áp dụng việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh từ bộ trưởng và tương đương trở lên; đồng thời chỉ bắt đầu bỏ phiếu từ cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ, nhất là đối với những người từ lĩnh vực khác sang nắm cương vị mới.
Bên cạnh những nội dung chính trên, một số đại biểu cũng góp ý về công tác soạn thảo các dự án luật: đề nghị cơ quan soạn thảo phải thực hiện nghiêm quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc gửi tài liệu đúng thời hạn; trình dự thảo luật kèm theo các văn bản hướng dẫn thi hành; quá trình soạn thảo phải có sự tham vấn ý kiến công chúng, điều tra xã hội học; tham gia có trách nhiệm vào quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện văn bản,… 
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, các văn bản luật gần đây có ngôn ngữ bị "tây hóa", cần đơn giản, dễ hiểu, như câu ca dao tục ngữ, để dễ đi vào lòng người. Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) cho rằng, cần quan tâm hơn tới công tác soạn thảo. Cơ quan thẩm tra các dự án luật và pháp lệnh phải đồng hành ngay từ đầu với cơ quan soạn thảo và phải có quy trình cụ thể thế nào để đảm bảo tính độc lập, phản biện. Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) cũng cho rằng, hạn chế lớn nhất của cách thức làm luật của Quốc hội hiện nay là thiếu tính đối thoại, tranh luận giữa Quốc hội với cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án luật…
Ngoài những vấn đề trên, theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có một số ý kiến cho rằng Đề án chưa đề xuất được nhiều đổi mới; một số nội dung đã được pháp luật quy định hoặc đang thực hiện; chưa tập trung đổi mới hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội… Về hoạt động lập pháp, nhiều ý kiến tán thành với những đề xuất đổi mới trong hoạt động lập pháp, nhưng có ý kiến cho rằng, Đề án chưa thực sự nêu bật được những giải pháp đổi mới mang tính đột phá trong hoạt động lập pháp.

Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, một số ý kiến đề nghị Đề án cần bổ sung một số nội dung cụ thể như: tại phiên chất vấn, cần có giải trình của người bị chất vấn về các vấn đề bức xúc do đại biểu Quốc hội nêu lên; sau hoạt động chất vấn, Quốc hội cần tăng cường, giám sát và đánh giá việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn, sau mỗi kỳ họp, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn; khi chất vấn nảy sinh vấn đề lớn, phức tạp, Quốc hội cần lập ra một Ủy ban lâm thời để điều tra.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tăng cường việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp trong tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề, đồng thời quy định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát.