Cố Nhạc sĩ Văn Cao: Đằng sau những ca khúc để đời

ANTĐ - 18 năm kể từ ngày nhạc sĩ Văn Cao về cõi thiên thu, lần đầu tiên những người thân trong gia đình vị cố nhạc sĩ tài hoa đứng ra  tổ chức một đêm nhạc riêng. Đêm nhạc kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông 
(15-11-1923/15-11-2013) sẽ lần đầu tiên hé lộ nhiều câu chuyện bất ngờ trong sự nghiệp sáng tác của người nghệ sĩ mà tên tuổi đã đi vào lịch sử.

Người đầu bếp đảm đang

Trong ký ức của nhà thơ, họa sĩ Văn Thao – con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao thì ông cụ thân sinh ra anh là một người vô cùng mẫu mực, luôn hết lòng thương yêu vợ con và sống rất có trách nhiệm với gia đình. “Cây đại thụ” của nền tân nhạc Việt Nam trong mắt con cái là người rất nghiêm khắc nhưng cực kỳ công bằng. Trong nhà hễ con cái làm sai điều gì thì tùy theo mức độ sai phạm mà ông sẽ có mức độ xử lý. Nếu xử sai thì ngay lập tức hôm sau ông liền gọi con lại để xin lỗi: “Bố hôm qua nóng quá, mất bình tĩnh nên nói con hơi quá. Bố xin lỗi…”. Không chỉ là một người cha, nhạc sĩ Văn Cao còn giống như một người mẹ dạy dỗ con cái làm việc nhà, nhất là chuyện bếp núc. 

Sinh thời, vị nhạc sĩ tài hoa rất hay có khách và mỗi lần khách đến chơi, ông vẫn thường tự mình vào bếp nấu ăn. Vị nhạc sĩ rất tỉ mỉ và trau chuốt từng món ăn như món thịt rán là phải tẩm ướp đủ thứ gia vị từ muối, mì chính, tỏi, húng lìu; còn nước chấm thì phải đủ mắm, chanh, tỏi, ớt, hạt tiêu kèm theo vài cọng rau mùi. Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao là con trưởng nên được cha bảo ban quán xuyến công việc bếp núc trong nhà từ khi mới lớn, nhất là nấu một số món ngon cho bạn bè của cha “nhắm” rượu. Nhìn ông say sưa chế biến món ăn như một đầu bếp thực thụ, cậu con cả Văn Thao vô cùng ngạc nhiên, khâm phục và dần dà cũng có cảm hứng thích “lăn vào bếp”. Cũng từ những món ăn bình dị ấy, ông hiểu hơn suy nghĩ của người cha vĩ đại rằng: “Nhìn mọi người ăn ngon miệng là bố thấy vui” và “ai chẳng thích ăn ngon nhưng để nấu cho ngon thì không phải ai cũng nấu được, nấu ăn cũng là một nghề đầy tính nghệ thuật”. Vị nhạc sĩ tài ba cũng hay được mời đi ăn và lần nào đi ăn thấy có món ngon, lạ miệng ông đều cất công tìm hiểu cách chế biến rồi về nhà tìm cách nấu thử cho người thân thưởng thức. Vậy nên sau này mới có chuyện vui rằng tiêu chí chọn dâu cho mấy cậu con trai của nhạc sĩ Văn Cao là chỉ cần… đảm đang và biết làm cỗ bàn. 

Và những bản nhạc chưa được biết

Ngày 22-11 tới gia đình người cố nghệ sĩ tài hoa tổ chức đêm nhạc riêng về ông ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Đêm nhạc không có tên gọi riêng, chỉ đơn giản là kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Văn Cao. Trong đêm nhạc này, người con trưởng của ông sẽ thay cha lên sân khấu để giãi bày cùng khán giả những suy tư trăn trở và cả những kỷ niệm được ông ghi lại bằng âm nhạc. Trong đó, lần đầu tiên 2 trong số những ca khúc từng được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác nhưng “cất kho” sẽ được trình diễn trên sân khấu. Cả hai sáng tác này đều được ông viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là hành khúc Cách mạng “Dưới ngọn cờ giải phóng” được ông viết năm 1962 và trao tận tay một vị lãnh đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Bài hát thứ 2 có tên gọi lãng mạn “Ta đi làm con suối” là một sáng tác của ông về người công nhân vùng mỏ khi được mời xuống Quảng Ninh làm nhạc cho một bộ phim tài liệu. Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao tâm sự đây là hai bài hát mà lúc sinh thời nhạc sĩ Văn Cao yêu thích và ông cũng rất hay hát. 

Cũng trong đêm nhạc này, người ta sẽ được nghe lại “Mùa xuân đầu tiên” – bài hát mà ngay sau khi viết xong, nhạc sĩ Văn Cao từng thổ lộ với con trai: “Vậy là bố đã làm tròn trách nhiệm sáng tác với nhân dân, với đất nước”. Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao chia sẻ ca khúc này được cha mình viết vào một ngày giáp Tết Bính Thìn năm 1976. Khi ấy, nhạc sĩ Văn Cao đã nói với Văn Thao rằng: “Bố sáng tác bài hát này mừng xuân đầu tiên đất nước mình thống nhất”. Bài hát này không hiểu bằng cách nào đó được dịch lời và in ở nước Nga. Ít ai biết rằng trước đó nhiều năm, vị nhạc sĩ già đã từng tuyên bố muốn dứt bỏ sự nghiệp viết nhạc và suốt nhiều năm liền ông chỉ tập trung vào làm thơ và vẽ tranh minh họa. Những bức tranh minh họa khi ấy, ông thường ký chữ “Văn” với suy nghĩ sau này khi nào thực hiện được trọn vẹn ước mơ hội họa, sẽ ký đầy đủ hai chữ “Văn Cao”.