Có nghề vẫn thất nghiệp

ANTĐ - Càng đến cuối năm, thị trường lao động, việc làm càng trở nên trầm lắng khác hẳn mọi năm. Sôi động sao được khi hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng sản xuất. Hàng chục nghìn công nhân mất việc và thất nghiệp. Trong bối cảnh này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng phải thừa nhận dạy nghề cho lao động nông thôn là vấn đề nóng bởi sự không đồng thuận về nghề, chất lượng thấp. Hầu hết các chỉ tiêu không đạt. Nông dân chấp nhận làm công việc nhà nông chứ nhất quyết không chịu học nghề.

Số liệu thống kê cho thấy, cả nước mới đào tạo được nghề cho 135.397 lao động nông thôn, đạt 28,4% kế hoạch năm. Trong số người có việc làm, chỉ có 19,5% được doanh nghiệp tuyển dụng, 70,1% tự xoay xở tìm việc, trong đó có tới 54% học nghề xong lại làm nghề nông như cũ. Mục tiêu đào tạo nghề là để người lao động nông thôn có kỹ năng sản xuất, từ đó tăng năng suất lao động và thu nhập khá hơn. Họ được trang bị kiến thức để chuyển đổi từ làm ruộng sang làm dịch vụ hoặc làm nghề truyền thống, từ đó không còn tình trạng kéo ra thành thị lao động thời vụ, gây áp lực lên xã hội đô thị. Mục tiêu đào tạo nghề rõ ràng như vậy, nhưng thực tế diễn ra như thế nào? Ở nhiều địa phương, lao động nông thôn thà “chân lấm tay bùn” chứ không muốn học nghề, họ cho rằng học xong cũng chẳng tìm được việc làm ở ngay chính quê hương. Với tổng kinh phí lên tới 25.980 tỷ đồng từ năm 2010 đến 2020, mục tiêu là mỗi năm đào tạo khoảng 1 triệu lao động nông thôn, nhưng sau 2 năm đầu thực hiện đã phải hạ thấp chỉ tiêu mà vẫn không thể đạt được.

Đi sâu vào thực tế mới thấy sự không đồng thuận giữa người lao động và các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chính quyền địa phương, sự “khập khiễng” giữa đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Chính quyền địa phương chưa vào cuộc quy hoạch ngành nghề để người dân biết được nghề mà học. Cơ sở dạy nghề cũng không dự báo được khả năng có việc làm sau khi học xong thì làm sao đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương? Quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải đặt hàng trực tiếp với các cơ sở dạy nghề, sau đó bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Có nhiều nơi không làm đến nơi đến chốn nên người lao động kém mặn mà và không tin tưởng. Ở nhiều địa phương, nông dân đến lớp ghi tên đăng ký học nghề chỉ cốt để nhận tiền bồi dưỡng và chứng chỉ. Thậm chí, hôm nay người này học, mai người khác học.  Ghi danh để lấy tiền ăn trưa dù chỉ có 15 nghìn đồng/buổi. Thực trạng đáng buồn này được một thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phản ánh chứng tỏ một “kẽ hở” rất lớn giữa đào tạo nghề và thị trường. Chưa kể các cơ sở dạy nghề vừa thiếu, vừa yếu trang thiết bị, cơ sở tạm bợ, thậm chí giáo viên, thầy dạy phải “chạy sô”. Trong khi đó, có hàng chục trung tâm đào tạo nghề được đầu tư trang thiết bị đầy đủ mà phải “đắp chiếu” vì thiếu cả giáo viên lẫn học viên.

Vì sao một đề án “hoành tráng” như vậy lại không thu hút được lao động nông thôn như mong muốn? Phải chăng học nghề, dạy nghề vẫn mắc bệnh thành tích, chưa theo sát nhu cầu của người lao động và đòi hỏi của thị trường lao động? Có nghề vẫn thất nghiệp, học xong không làm ra tiền, học xong không kiếm được việc đúng với nghề đã học thì bỏ công sức ra làm gì? Công nhân, lao động trong doanh nghiệp, công ty, khu công nghiệp còn không có việc làm thì lao động nông thôn hy vọng gì.