Có nghề vẫn thất nghiệp

ANTĐ - Mặc dù không phải là “điểm nóng” trên diễn đàn Quốc hội cũng như trong các phiên chất vấn, song vấn đề “tam nông” đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi, phân tích sâu sắc. Đặc biệt là chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đào tạo nghề cho nông dân với một “rừng” văn bản như ví von của một số đại biểu. Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, kết quả đạt được như thế nào và nảy sinh những vướng mắc gì?

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương thực hiện, thí điểm cấp thẻ học nghề cho nông dân. Sau 2 năm thí điểm ở hai tỉnh tiêu biểu tại miền Trung và Nam bộ, tỷ lệ học viên được đào tạo mới chỉ đạt 75% số thẻ được phát, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 60%. Mục đích việc cấp thẻ học nghề nhằm tạo cơ hội cho lao động nông thôn có nhu cầu được chủ động lựa chọn nghề và cơ sở dạy nghề phù hợp với điều kiện.

Thế nhưng, một “kết quả” thu được ngoài mong muốn là, nhiều lao động đã cầm thẻ học nghề trong tay, được trang bị nghề đàng hoàng mà vẫn rơi vào tình trạng lang thang thất nghiệp. Tại nhiều xã ở ngoại thành Hà Nội, nghịch lý này phơi bày khá rõ. Nhiều người dân nông thôn đã qua “lò” đào tạo nghề chính quy nhưng nay vẫn ngồi dài chờ việc làm. Trong khi đó, nhiều người đang có việc làm thì lại chưa một lần được dạy nghề hoặc qua lớp đào tạo nào. Những xã có nhiều hộ dân bị thu hồi đất để mở mang khu công nghiệp hoặc dự án làm đường, sau khi nhận được một khoản tiền đền bù khá lớn, tưởng sẽ đổi đời nhưng chỉ một thời gian sau lại rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí túng quẫn hơn.

Nhìn vỏ ngoài nhà cửa khang trang, xe máy, ti vi tưởng là cuộc sống khấm khá hơn. Song, chủ nhà lại sống lay lắt, chạy ăn từng bữa. Việc chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho nông dân sau thu hồi đất ở các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Mê Linh… thì không dễ dàng. Có những xã, diện tích đất nông nghiệp trước đây tới 500ha, nay chỉ còn hơn 100ha, mà có tới 60% hộ dân sống dựa trên đất này. Khi chủ đầu tư muốn xây dựng khu công nghiệp, họ hứa hẹn sẽ sử dụng toàn bộ số lao động dôi dư. Khi nhà máy đi vào hoạt động, họ chỉ tuyển rất ít lao động ở độ tuổi 18 - 25 để làm những việc phổ thông. Nếu vì sức ép phải nhận nông dân vào cơ sở thì họ cố tình giao việc khó hoặc trả lương thấp.

Thế là người lao động tự khắc chán nản, bỏ đi. Con đường gần như độc đạo của họ là vào nội thành làm thuê, buôn bán vặt vãnh, chạy “xe ôm”. Cho dù nhiều địa phương đã mở các lớp đào tạo nghề như may công nghiệp, điện dân dụng, trồng nấm… nhưng các nghề này chỉ được lúc đầu rồi cũng đi vào ngõ cụt vì không tìm được việc hoặc sản phẩm bí đầu ra. Đào tạo nghề cho nông dân, cấp thẻ học nghề mở ra một “lối thoát” cho nông thôn trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động. Bế tắc chính ở đây là đào tạo nghề mình có chứ không phải thị trường lao động đang cần. Trung bình mỗi hécta đất thu hồi là 14 nông dân mất việc làm. Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 40.000 lao động nông nghiệp mất đất, mất việc. Trên thực tế, con số còn lớn hơn.

Đào tạo nghề ở thành phố vốn đã hết sức gian nan, nói gì tới đào tạo nghề cho nông thôn. Tuy vậy vẫn phải tiến hành, phải đào tạo gắn với sinh nhai trước mắt và sinh kế lâu dài của nông dân. Không để rơi vào tình cảnh có nghề vẫn thất nghiệp, có việc không biết nghề.