Có nên luật hóa việc lấy phiếu tín nhiệm?

ANTĐ - Ngày 14-1, trong khuôn khổ phiên họp thứ 24, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi); Luật Hải quan (sửa đổi) và thảo luận về chương trình hoạt động đối ngoại năm 2014 các cơ quan của Quốc hội.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo cho biết, dự án Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7. Đáng lưu ý, ông Phan Trung Lý đặt vấn đề: “Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 35/2012/QH13 quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (tháng 5-2013), được cử tri và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Hiến pháp mới không quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm. Vậy trong lần sửa đổi này, Luật Tổ chức Quốc hội có nên quy định về vấn đề lấy phiếu tín nhiệm hay không”?

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa phân tích, dù Hiến pháp không quy định, nhưng lấy phiếu tín nhiệm là quy trình để tiến tới bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định của Hiến pháp nên cũng không trái Hiến pháp.