Không ăn mỡ lợn là đúng hay sai?
Mỡ lợn là nguồn cung cấp năng lượng giúp cơ thể hoạt động hiệu quả, mỡ lợn còn chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể. Chất béo trong mỡ lợn giúp tăng cường khả năng hấp thụ các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Đặc biệt, với nhiều món ăn truyền thống, mỡ lợn giúp cải thiện hương vị món ăn, tạo hương vị thơm ngon, béo ngậy, hấp dẫn. Ngoài ra, mỡ lợn còn có một số ưu điểm như sau:
![]() |
Theo các chuyên gia dinh dưỡng việc sử dụng mỡ đúng cách sẽ mang lại lợi ích rất tốt cho sức khỏe |
Chứa chất béo ổn định. Mỡ lợn chứa khoảng 50% chất béo không bão hòa đơn, loại chất béo có lợi này cũng có thể tìm thấy trong dầu ôliu. Mỡ lợn có điểm bốc khói cao, điều này có nghĩa là nó có thể được chế biến an toàn hơn khi ở nhiệt độ cao mà không bị hỏng hoặc bị oxy hóa. Quá trình oxy hóa rất nguy hiểm vì nó gây ra sự giải phóng các gốc tự do vào cơ thể, có liên quan đến ung thư, viêm nhiễm và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Nhiều vitamin D. Mỡ lợn là một trong những nguồn cung cấp vitamin D tốt nhất. Vitamin D đóng vai trò điều hòa quá trình chuyển hóa canxi và phốt pho cần thiết cho sức khỏe của xương. Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể cũng có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển ung thư, rối loạn tự miễn dịch, bệnh tim mạch, các bệnh truyền nhiễm…
Có nên thay mỡ lợn bằng dầu ăn?
Nhiều ý kiến cho rằng dù mỡ động vật có nhiều ưu điểm, nhưng không có nghĩa là nên loại bỏ hoàn toàn dầu thực vật. Một số loại dầu như dầu ôliu nguyên chất, dầu dừa hay dầu bơ vẫn được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe. Dù mỡ lợn có những lợi ích nhất định, nhưng cần sử dụng hợp lý, kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng để đảm bảo sức khỏe tim mạch và tránh nguy cơ dư thừa cholesterol. Tốt nhất là nên ăn kết hợp xen kẽ 30% mỡ động vật và 70% dầu thực vật.
Nhiều người cho rằng ăn nhiều mỡ động vật sẽ dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, béo phì, xơ vữa động mạch... nên đã dùng dầu làm nguyên liệu chính để chế biến các món xào, rán... Tuy nhiên, điều này chưa thực sự chính xác vì trong mỡ động vật có nhiều chất cholesterol cần thiết cho cấu trúc tế bào, đặc biệt là tế bào thần kinh. Hơn nữa, các axit béo no trong mỡ nếu được sử dụng ở mức độ vừa phải sẽ có tác dụng làm bền vững các mao mạch máu, bảo vệ hệ tuần hoàn của cơ thể, dự phòng các xuất huyết não.
Mỡ tham gia tạo nên màng tế bào thần kinh, tham gia vào một số men chuyển hóa trong cơ thể và đặc biệt là nội tiết tố sinh dục, tuyến thượng thận... nên trẻ đang tuổi lớn và người ở tuổi trung niên nên ăn thịt, cá có thêm một chút mỡ. Nếu chỉ dùng dầu ăn mà không dùng mỡ thì chức năng này trong cơ thể sẽ bị suy yếu. Vì vậy, cần phải kết hợp sử dụng cả dầu ăn và mỡ, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.
Lưu ý, không dùng dầu ăn chiên đi chiên lại nhiều vì vừa không tốt cho sức khỏe, vừa có nguy cơ gây bệnh ung thư. Do dầu ăn phân hủy không tốt ở nhiệt độ cao nên với những món xào thì dùng mỡ phi hành cho thơm rồi cho rau củ vào xào chín tới, nêm gia vị, tắt bếp rồi mới trộn thêm một chút dầu cho để tạo sự hấp dẫn cho món ăn.
Lưu ý khi sử dụng mỡ lợn
Khuyến cáo lượng axit béo bão hòa hấp thụ không được vượt quá 10% tổng lượng calo hàng ngày. Nếu quy đổi tất cả thành mỡ lợn thì sẽ là 50 gam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thịt, trứng, sữa, các loại hạt, bánh ngọt và dầu ăn mà chúng ta ăn hàng ngày đều chứa axit béo bão hòa. Vì vậy, chúng ta nên tránh tiêu thụ quá nhiều mỡ lợn, dễ dẫn đến dư thừa axit béo. Ngoài ra, người cao tuổi, người béo phì, bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, mạch máu não, người mắc bệnh lý ngoại sinh, người đi ngoài phân lỏng cần thận trọng khi ăn mỡ lợn. Trẻ em cũng có thể ăn mỡ lợn một cách hợp lý.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý những hạn chế sau của mỡ lợn với sức khỏe nếu ăn thường xuyên. Mỡ lợn chứa lượng cholesterol cao, có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu tiêu thụ quá nhiều. Ăn quá nhiều chất béo bão hòa trong chế độ ăn uống làm tăng cholesterol LDL “xấu” trong máu, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Lượng calo cao trong mỡ lợn dễ dẫn đến tăng cân mất kiểm soát nếu không quản lý khẩu phần ăn hợp lý.
Mỡ lợn là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh nếu được sử dụng một cách điều độ. Nên kết hợp chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm khác nhau, hạn chế tiêu thụ mỡ lợn quá nhiều. Ngoài ra, cũng nên lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ của mỡ lợn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.