Có nên đưa phong trào nói không với rượu bia khi lái xe thành văn hóa doanh nghiệp?

ANTD.VN - Doanh nhân thường xuyên phải tiếp khách, gặp gỡ đối tác, giao lưu thông qua các bữa tiệc hay “bên bàn nhậu”. Vậy vấn đề đặt ra là có nên đưa phong trào nói không với rượu bia khi lái xe trở thành văn hóa của doanh nghiệp?

Văn hóa quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Ngày 14-5, Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức buổi Giao lưu - tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Văn hóa doanh nhân quyết định sự phát triển sự bền vững của doanh nghiệp”.

Trả lời câu hỏi nêu trên, ông Đàm Tiến Thắng- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay: “Gần đây, một số cựu học sinh Hà Nội khóa 91-94 đưa ra phong trào “đã uống rượu bia, không lái xe”. Thực chất phong trào này dựa trên nền tảng của pháp luật.

Ở góc độ doanh nhân, nếu dùng bia rượu có lợi cho công việc mà người uống vẫn kiểm soát được thì doanh nghiệp vẫn dùng, miễn là uống rượu bia thực sự theo văn hóa, theo sở thích của đối tác”.

Theo đại diện Sở Công Thương, sử dụng rượu bia có 2 mặt lợi và hại. Tuy nhiên, doanh nhân nên sử dụng rượu bia 1 cách thông minh, phù hợp với môi trường riêng của mỗi doanh nghiệp. 

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, văn hóa rượu bia mang tính chất địa phương.

“Nhưng cái thông minh ở đây là đừng thái quá. Việc coi rượu bia là số 1 là lệch chuẩn văn hóa ở hai điểm. Thứ nhất, coi uống nhiều rượu là thân tình, thứ nữa là uống cạn 100% là sai lầm.

Ở nước ngoài họ nâng nhiều nhưng không uống 100%. Đã đến lúc ta nên từ bỏ suy nghĩ uống 100% mới là thân tình, đừng lấy việc đó để đánh giá sự thân thiết”- TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Theo một số ý kiến tại tọa đàm, để doanh nghiệp phát triển bền vững, bên cạnh việc doanh nghiệp phải xác định rõ chiến lược, mục tiêu kinh doanh cụ thể; xây dựng cho mình một hệ thống quản trị doanh nghiệp hiện đại, hiệu quả; xây dựng thương hiệu và không ngừng đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp phải xây dựng, phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp; Coi văn hóa doanh nghiệp là cốt lõi, nền tảng phát triển.

Các chuyên gia nghiên cứu phát triển tổ chức trong và ngoài nước đã khẳng định, một doanh nghiệp thiếu vốn có thể đi vay, thiếu chiến lược có thể mời tư vấn, thiếu nhân sự thì tuyển dụng, đào tạo… nhưng không thể bỏ tiền để mua sự đồng cam cộng khổ, sự gắn bó của đội ngũ nhân viên.