Có nên cấm phá thai trên 12 tuần tuổi?

ANTĐ - Dân số nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi nhân khẩu học chưa từng có trong lịch sử. Những chính sách về dân số được thể hiện qua Pháp lệnh Dân số ban hành ngày 9-1-2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 ban hành ngày 27-12-2008 đã không còn thích hợp với những bước chuyển mạnh mẽ của cuộc sống. 
Có nên cấm phá thai trên 12 tuần tuổi? ảnh 1

Đó chính là nguyên nhân để Luật Dân số được soạn thảo, thể hiện sự đổi mới theo hướng xây dựng một xã hội Việt Nam có chất lượng cao và bền vững về dân số, đảm bảo cho đại đa số người dân được tiếp cận dịch vụ dân số hiện đại. Tuy nhiên, trong khi Dự thảo Luật Dân số còn các điều luật chưa nhận được sự đồng thuận cao. 

Những điểm mới  trong Dự thảo

 Điểm mới đầu tiên và quan trọng nhất, Luật Dân số mới sẽ khẳng định: Quyền sinh sản là quyền của mỗi người, quyền ấy phải được bảo vệ giống như là một cấu thành bất biến của quyền con người. Về pháp luật, không có quy định mỗi cặp vợ chồng có quyền sinh bao nhiêu con, và đương nhiên không có chế tài xử phạt hành vi vi phạm. Như vậy, sẽ có lộ trình thay đổi chính sách một gia đình hai con cũng như hủy bỏ mọi chế tài phạt đối với sinh con thứ ba, các tổ chức, cơ quan cũng sẽ xem xét việc hủy các quy định kỷ luật khi sinh con thứ ba trở lên. 

Một điểm mới sẽ tác động đến hàng loạt các gia đình, đó là sẽ ban hành hàng loạt chính sách để đa số người dân có thể tiếp cận với chi phí thấp các dịch vụ dân số. Có thể lấy ví dụ: Phải có quy định của pháp luật về tiêu chuẩn của biện pháp tránh thai.

Người sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài nếu bị tai biến thì được điều trị tai biến miễn phí theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở cung cấp dịch vụ phá thai; cơ sở khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh.

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc cần thiết để trước khi kết hôn, các cặp vợ chồng, bảo đảm có đủ sức khỏe và sinh con an toàn, phát hiện sớm các gen mang bệnh như tán máu bẩm sinh (thalasamia) hoặc các bệnh rối loạn về nhiễm sắc thể, các bệnh di truyền... nhằm nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, do việc khám sức khỏe tiền hôn nhân rất tốn kém, nên trong thời gian tới, một số đối tượng như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, những người thuộc diện chính sách... sẽ được Nhà nước hỗ trợ trong việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Về cơ bản, đây là bản dự thảo thể hiện được phạm vi điều chỉnh của Luật Dân số về quá trình sinh sản, đã thể chế hóa được nhiều nội dung liên quan đến quyền con người trong đó có quyền sinh sản. Nhưng, có thể thấy vẫn có một số quy định còn có ý kiến băn khoăn. 

Không được phá thai khi thai nhi quá 3 tháng tuổi?

Có hai đề xuất liên quan đến phá thai. Đề xuất thứ nhất là quy định về điều kiện phá thai cần phải được sự đồng ý của người chồng hoặc việc bắt buộc phải có chứng minh thư nhân dân hoặc địa chỉ nơi cư trú…Có ý kiến cho rằng việc quy định quá chặt chẽ các điều kiện nạo, phá thai có thể dẫn tới phá thai chui, không an toàn.

Trong khi các Công ước quốc tế (ví dụ CEDAW và ICDP) chỉ  quy định: Quyết định của phụ nữ về việc có con hay không, nên tiến hành với sự tham khảo ý kiến của chồng hay người cùng chung sống mà không bắt buộc. 

Đề xuất thứ hai, theo dự thảo Luật Dân số, quy định tuổi thai dưới 12 tuần tuổi thì được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người phá thai.

Còn thai từ 12 tuần trở lên sẽ bị cấm phá thai, trừ các trường hợp mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài, do loạn luân, bị hiếp dâm… Lý giải về quy định này, theo Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam đang khá cao. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ người dân biết được giới tính thông qua siêu âm từ 12 tuần tuổi trở lên là phổ biến.

Theo nghiên cứu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi năm 2006 là 66,8%, tăng lên 81,3% vào năm 2012. Khi biết được giới tính thai nhi, một số người đã có hành vi loại bỏ thai nhi gái (từ 12 tuần tuổi trở lên). Do vậy, theo Bộ Y tế, dự thảo Luật Dân số hạn chế phá thai trên 12 tuần tuổi đối với các cặp vợ chồng là để kiềm chế tình trạng phá thai vì giới tính thai nhi.

Theo Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989, phụ nữ có quyền được phá thai theo nguyện vọng và thủ tục hành chính cho việc này cũng đơn giản. Chỉ có an toàn về sức khỏe mới có thể ngăn cản phụ nữ phá thai, không kể các quy ước về đạo đức vốn không bắt buộc. Nhưng quan trọng hơn, nếu chỉ vì kỹ thuật siêu âm hiện nay chỉ có thể cho biết giới tính thai nhi sau 12 tuần tuổi thì nếu có kỹ thuật mới rẻ tiền hơn cho biết giới tính thai nhi sớm hơn, chúng ta sẽ lại thay đổi giới hạn tuổi thai khi phá thai?