Có nên buộc chủ doanh nghiệp phá sản phải trả tiền nợ thuế?

ANTD.VN - Có ý kiến cho rằng quy định khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp là chưa phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp.

Sáng 24-5-2019, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Theo đó, một số ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc chính về các tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế, trên cơ sở đó giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải

Tiếp thu ý kiến trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, bổ sung theo hướng quy định một số nguyên tắc chính về các tiêu chí đánh giá việc tuân thủ pháp luật của người nộp thuế và giao Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, có ý kiến cho rằng, quy định khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động mà chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì phần thuế nợ còn lại do chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp là chưa phù hợp với pháp luật về doanh nghiệp.

Để bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính của từng chủ thể khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu theo hướng dẫn chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp về từng loại hình doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với phần thuế nợ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. 

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) gồm 17 chương, 151 điều, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát và bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế.

Về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, nhiều ý kiến cho rằng tiền nộp chậm chỉ 0,03% trên ngày là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm.

Theo UBTVQH, trong giai đoạn vừa qua, do biến động của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì lý do khách quan, do đó để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Quốc hội đã nhiều lần điều chỉnh giảm mức tiền chậm nộp (từ 0,07% xuống 0,05% và hiện nay là 0,03%/ngày).

Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Về áp dụng các biện pháp trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế, có ý kiến đề nghị làm rõ dấu hiệu trốn thuế có tính chất phức tạp để đảm bảo xác định được căn cứ khi thực hiện các biện pháp thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế hoặc không cần quy định điều này trong dự thảo luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bỏ điều 121 tại dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự luật này, trước khi biểu quyết thông qua (dự kiến) vào ngày 12-6 tới.